Đừng nhân danh tri ân liệt sĩ để trục lợi
Chúng tôi đã liên hệ với bà Ngô Thị Thúy Hằng - phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ, gọi tắt là Trung tâm MARIN trao đổi xung quanh vấn đề này.
Chào bà, xin bà cho biết suy nghĩ của bà khi xem, nghe, đọc những thông tin có liên quan đến sự kiện làm giả hài cốt liệt sĩ gần đây.
Câu chuyện mà Đài truyền hình Việt Nam, trong chương trình Trở về từ ký ức (TVTKƯ do nhà báo Thu Uyên chịu trách nhiệm thực hiện) số 22 phát sóng ngày 22/10/2013 tôi không được xem trực tiếp. Sau đó tôi có ngồi xem lại. Với tôi, những thông tin này hoàn toàn không mới. Vì tôi là người làm công tác này nên tôi thường xuyên nhận được thông tin và cũng luôn tìm hiểu những thông tin có liên quan để có thể tư vấn chính xác nhất cho thân nhân liệt sĩ trong công việc tìm thông tin và hài cốt liệt sĩ. Tôi xin nói lại, với tôi những thông tin này không hề mới nên hỏi tôi nghĩ gì thì tôi không biết trả lời như thế nào.
Có người nói rằng, bà là người cung cấp thông tin và phối hợp với chương trình để “vạch mặt” những người này, thưa bà, thông tin trên có đúng không?
Tôi thấy, câu chuyện trên chương trình TVTKƯ số 22, nhà báo Thu Uyên là một người có nhiều năm kinh nghiệm. Trước khi làm chương trình TVTKƯ chị Uyên đã là một bình luận viên quốc tế sắc sảo, thông minh đầy bản lĩnh của Đài truyền hình VN. Sau đó với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) chị Uyên đã xây dựng được hệ thống tình nguyện viên và cả 1 ekip chuyên nghiệp thực hiện chương trình thì có lý gì mà sự việc này, chị Uyên cần sự trợ giúp của tôi.
Vào cuối năm 2011 và nửa đầu năm 2012, tôi có tham gia phối hợp với chị Thu Uyên với tư cách cá nhân là người trả lời các câu hỏi về giải mã phiên hiệu đơn vị và tư vấn bước đầu cho thân nhân liệt sĩ tại trường quay trong chương trình TVTKƯ. Sự phối hợp này kéo dài đến số thứ 7 và do thay đổi fomat của chương trình và nguồn dữ liệu hồ sơ gốc của liệt sĩ đã được chuyển về các địa phương nên tôi không còn tham gia chương trình nữa. Tuy nhiên 2 chị em cũng có trao đổi với nhau một vài thông tin. Và nếu tôi cần gì mà chị có thể giúp được như công việc có liên quan đến thủ tục xét nghiệm ADN miễn phí xác định danh tính liệt sĩ chị đều giúp.
Như bà đã nói những thông tin này không mới thì theo bà có nên đưa thông tin này như VTV đã đưa không? Liệu nó có ảnh hưởng gì đến dư luận không?
Tôi ví câu chuyện chị Thu Uyên phản ánh trong chương trình TVTKƯ số 22 ấy như một người ôm bom cảm tử nhằm đánh thức lương tri của nhiều người. Chính vì thế chắc chắn chị Thu Uyên đã lường hết những tình huống có thể xảy ra sau đó.
Tại sao tôi nói là ôm bom cảm tử? Chuyện bà Phan Thị Bích Hằng có liên quan đến chí sĩ Phùng Chí Kiên đã có thông tin từ năm 2008, năm 2010 tôi cũng đã chính thức có thông tin chi tiết về câu chuyện này, báo chí phóng viên cũng đã có thông tin này. Bạn có thể tìm các loạt bài từng đăng trên báo Giáo dục thời đại online. Nó đăng được 2 kỳ thì bị rút bài mà không có thông báo cho bạn đọc.
Hoặc bạn có thể tìm hiểu thêm tại những người tổ chức Hội thảo tại Côn Đảo năm 2011 có sự tham gia của đại diện Bộ Lao động, đại diện Bộ Quốc phòng, đại diện Đài truyền hình VN là chị Thu Uyên và có cả đại diện của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người về sự kiện cụ Phùng Chí Kiên cũng đã được dẫn chứng tại Hội nghị như một câu chuyện đau lòng về tìm liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm.
Chương trình chị Thu Uyên làm xét ở góc độ thông tin đã phản ánh đúng sự việc: xương động vật, răng lợn được coi là hài cốt liệt sĩ là có thật. Và cách xử lý thông tin trực diện: nói thẳng bằng dẫn chứng cụ thể, hình ảnh cụ thể, tên tuổi nhân vật phản ánh cụ thể không lập lờ là đáng trân trọng và hoan nghênh.
Tất nhiên, sự việc như vậy không ảnh hưởng tới dư luận thì mới cần nói chứ nó gây chấn động dư luận là thành công. Nó khiến nhiều người phải suy nghĩ và nên suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Sự việc phản ánh trên Đài truyền hình VN - kênh thông tin chính thống được nhiều người theo dõi nhất thì tôi gọi là HỒI CHUÔNG CẢNH TỈNH cho những ai đã và đang lợi dụng thân nhân liệt sĩ thì nên chấm dứt.
Có lẽ là sau sự việc trên thì chị nhận được rất nhiều đề nghị của phóng viên báo chí để phỏng vấn tìm hiểu thêm?
Đúng là như vậy vì MARIN đã có 9 năm hoạt động, tiếp xúc với nhiều thân nhân liệt sĩ, nhiều câu chuyện đau lòng có liên quan đến tìm liệt sĩ. Tuy nhiên tôi đã từ chối nói chuyện này ở góc độ phanh phui hay vạch mặt, hoặc đánh đấm ai đó.
Không phải tôi sợ bị trả thù hay sợ điều gì mà tôi nghĩ đơn giản rằng: việc tìm đúng được 1 bộ hài cốt liệt sĩ đúng tên họ, nguyên quán, vẹn nguyên thi thể sau vài chục năm chấm dứt chiến tranh là phúc phần của cả đất nước nên ai cũng cần góp sức, góp tiền, hay góp bằng hình thức nào cũng đáng quý. Nhưng không được sai, không được nói quá lên nhằm tô vẽ cho bản thân mình hay kể công trạng với liệt sĩ.
Việc các báo nhất loạt đăng lại thông tin từ VTV theo kiểu copy - paste thậm chí còn đăng sai thành chương trình NCHCCCL thì quá là cẩu thả và vô trách nhiệm với cái tên mà họ ký sau bài viết. Bạn lên án những người được gọi là ngoại cảm, tâm linh đã lừa gia đình liệt sĩ hoặc trục lợi từ niềm tin của gia đình liệt sĩ nhưng chính các bạn lại vô trách nhiệm với câu chữ, bút danh của mình thì còn đáng lên án hơn.
Chị có lời khuyên nào với các gia đình liệt sĩ hay không?
Điều mà tôi thấy mừng nhất là hiện nay các gia đình liệt sĩ đã bắt đầu hiểu về việc cần phải tìm liệt sĩ như thế nào? Từ việc bị động tiếp thu thông tin họ đã chủ động khai thác thông tin. Từ việc cứ lao đến các Nghĩa trang liệt sĩ để tìm kiếm, họ đã biết cách thu thập thông tin, phân tích thông tin từ nhiều nguồn rồi sau đó mới tới thực địa nơi liệt sĩ hy sinh để tìm kiếm. Thân nhân liệt sĩ đã bình tĩnh hơn, thấu đáo hơn trong việc tìm kiếm thông tin và tìm hài cốt liệt sĩ. Đặc biệt là một năm trở lại đây, bạn có thể thấy các Trung tâm tìm kiếm liệt sĩ đã tự động giải tán vì thân nhân liệt sĩ không còn nhu cầu nữa. Họ tự giải tán chứ không cần có bất cứ động thái nào của chính quyền phải ngăn chặn.
Vì thế không phải lời khuyên của tôi dành cho các gia đình mà là đề nghị của tôi dành cho các cơ quan quản lý có liên quan đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà ở đây là Bộ LĐ-TB&XH, các Sở LĐ-TB&XH địa phương cần phối hợp cung cấp thông tin đến thân nhân liệt sĩ.
Theo bà thì việc tìm mộ liệt sĩ theo phương pháp tâm linh, ngoại cảm có đáng tin cậy không?
Có lẽ tôi và bạn không nên dùng từ tâm linh hay ngoại cảm mà nên dùng là khả năng đặc biệt cho nó chính xác: Khả năng đặc biệt trong việc tìm hài cốt liệt sĩ. Tôi tin vì bản thân tôi đã chứng kiến không ít hơn 1 người có khả năng đặc biệt này và cũng không ít hơn 1 lần chứng kiến họ cung cấp thông tin về liệt sĩ và phần mộ liệt sĩ chính xác. Điều đó cho thấy rõ ràng, chuyện giao tiếp được là có thật, tìm thấy chính xác là có thật. Không nên phủ nhận hoàn toàn chuyện này.
Tuy nhiên có một thì nói là một, có hai thì nói là hai. Không thể tìm được vì lý do này hay lý do kia thì nên trao đổi thẳng thắn và đưa ra lý do để gia đình liệt sĩ đừng hy vọng.
Đã gọi là khả năng thì không phải là vô hạn, vô biên. Nó có giới hạn, chừng mực, đừng tự thần thánh mình. Nếu là người có nhân cách thì biết dùng khả năng ấy ở chừng mực nào, công việc gì.
Xin hỏi bà câu hỏi cuối: trách nhiệm này thuộc về ai?
Trách nhiệm tìm và quy tập liệt sĩ thì rõ ràng là trách nhiệm của Nhà nước rồi. Theo nghị định 31 tại Điều 56, khoản 1 thì Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước. Và cũng theo Điều 56 khoản 4 thì Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát hiện và cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ.
Tuy nhiên dù có là trách nhiệm của ai, của cơ quan nào đi chăng nữa thì việc tri ân liệt sĩ là cần thiết, nhưng đừng vì 4 từ: TRI ÂN LIỆT SĨ mà đánh bóng tên tuổi của mình để trục lợi cá nhân.
Liệt sĩ họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của họ cho mình được hưởng tự do. Thế nên, hãy làm ơn đừng vì lý do này hay lý do kia khiến vong linh họ đau lòng thêm. Chiến tranh đã đi qua rồi nhưng nỗi đau vẫn còn đó.
Xin cảm ơn bà.
End of content
Không có tin nào tiếp theo