Pháp luật

Được giảm thuế nhưng không biết

Luật thuế thu nhập cá nhân đã được thi hành bốn năm trên toàn quốc. Tuy nhiên, còn một số đối tượng thuộc phạm vi ưu tiên, giảm trừ của luật vẫn chưa nắm rõ về quy định, mặc nhiên phải chịu những thiệt thòi đáng tiếc.

Gánh chịu thiệt thòi do thiếu thông tin, đáng lưu ý là những tác giả nằm trong khối sáng tạo: nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh, sân khấu, họa sĩ, nhạc sĩ...

 

Coi nhẹ bản quyền

 

Thu nhập tính thuế từ tiền bản quyền là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng chuyển nhượng. Quy định tại khoản 4.2, mục II, phần B thông tư số 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân với tác phẩm đăng ký nêu rõ: “Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ bản quyền áp dụng theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%”. Nghĩa là đối với bất kể tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được trả trên 10 triệu đồng, nếu đã đăng ký bản quyền thì thay vì phải nộp 10% thuế cho mỗi tác phẩm, việc tính thuế đối với những khoản thu này là 5% (giảm một nửa). Đồng thời, với những khoản thu dưới 10 triệu đồng, khi đã đăng ký bản quyền, các tác giả không phải nộp thuế.

 

Tuy nhiên, ông Vũ Mạnh Chu - cục trưởng Cục Bản quyền - cho biết số lượng tác giả đến đăng ký bản quyền rất thấp, chỉ vài phần trăm so với những tác phẩm được xuất bản hằng tháng trong cả nước. Tính trong năm 2011, theo số liệu Cục Bản quyền cung cấp, 100% số tác phẩm đăng ký đều được cấp chứng nhận bản quyền. Những loại hình nghệ thuật khá phổ biến đều có những con số bản quyền ít ỏi: 4-5 tác phẩm điện ảnh, 700-739 tác phẩm âm nhạc, 4-11 tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian trong hai năm 2010-2011. Có những thể loại như tác phẩm sân khấu được định hình trên băng đĩa hay chính tác phẩm báo chí, con số đăng ký bản quyền là 0.

 

“Tôi không biết”

 

Câu trả lời “tôi không biết” là phản ứng nhận được nhiều nhất từ những tác giả mà chúng tôi tìm hỏi xung quanh câu chuyện đăng ký bản quyền cho các tác phẩm để giảm trừ thuế thu nhập cá nhân. Nhiều nghệ sĩ, họa sĩ, nhà văn, đạo diễn... tên tuổi mà tác phẩm của họ gần với công chúng, được sử dụng nhiều lần tại các chương trình nghệ thuật lớn, song không có ai đăng ký bản quyền.

 

Ông Vũ Mạnh Chu lý giải đặc biệt với đối tượng là các tác giả hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, khi tác phẩm ra mắt công chúng nghiễm nhiên được công chúng biết đến, tác giả thường có tâm lý coi đây là một cách “công nhận bản quyền”. Nhưng ông Chu nhấn mạnh “cái lợi của bản quyền tác giả”, ngoài yếu tố kinh tế (hầu như không ai nắm rõ) còn nằm ở việc “bảo vệ lực lượng sáng tạo trước các vụ tranh chấp, ăn cắp bản quyền không may nổ ra”.

 

Tuy nhiên, tâm lý nói chung của các nghệ sĩ cho rằng đăng ký bản quyền có vẻ không có tác dụng. “Mỗi khi có chuyện đụng chạm, kiện cáo về bản quyền thì nội dung tờ đăng ký bản quyền quá chung chung, trong khi người nào đã cố tình ăn cắp thì chẳng mấy người copy nguyên xi” - nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, người năm 2010 sở hữu số lượng kịch bản phim lịch sử nổi trội hơn các đồng nghiệp, kết luận.

 

Không ai thắc mắc

 

Bên cạnh một lượng lớn tác giả không quan tâm đến việc đăng ký bản quyền cho đứa con tinh thần của mình, lại có những trường hợp đã đăng ký bản quyền, có khi cả chục năm nay, song không hề biết đến quyền lợi kinh tế “thu thuế 5%”.

 

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân có 19 tác phẩm đủ các thể loại được đăng ký bản quyền nhưng cho biết mọi thứ vẫn diễn ra một cách tự động: “Hợp đồng nào của tôi cũng có điều khoản trừ 10% thuế từ nhuận bút, chứ tôi không biết tác phẩm có bản quyền được đánh mức thuế khác”. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã kinh qua nhiều công việc, nhiều đơn vị cũng tỏ ra ngạc nhiên với “ưu đãi” này.

 

Sau khi được thông báo thông tin, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn chua xót: “Tôi không hề biết, chẳng ai cho tôi biết, suốt ngày đọc báo mạng, báo giấy nhưng không phát hiện việc 5% hay 10%. Nếu đúng đăng ký bản quyền chỉ nộp 5% thì từ nay tôi sẽ tự đi đăng ký”.

 

Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Trương Nhuận cho biết trong bất kể tác phẩm sân khấu nào, bất kể là ai trong êkip sáng tạo (trừ diễn viên), khi nhận thù lao đều bị trừ 10% thuế, mặc nhiên hiểu rằng mình bị trừ là đúng, không ai thắc mắc gì dù nếu so với thu nhập cả năm quá thấp, thậm chí họ không thuộc đối tượng phải đóng thuế.

 

Theo TT

 

 

Bất công với khối sáng tạo?

Không chỉ là vấn đề thiếu thông tin quanh việc chịu mức thuế 5% khi tác phẩm được đăng ký bản quyền, có nhiều kiến nghị về cách tính thuế thu nhập cá nhân cho khối sáng tạo theo Luật thuế thu nhập cá nhân. Chính cục trưởng Cục Bản quyền Vũ Mạnh Chu chia sẻ ông từng kiến nghị về mức thu thuế thu nhập cá nhân đối với lực lượng sáng tác lên tới 10% (đối với người có mã số thuế cá nhân) và 20% (với người không có mã số thuế cá nhân) cho mọi khoản thu lớn hơn 1 triệu đồng (mức phải đóng thuế cho tất cả các tác phẩm không đăng ký bản quyền) là bất công.

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam là đơn vị đầu tiên có ý kiến về việc thu 10% thuế thu nhập cá nhân đối với các tác phẩm về vấn đề văn hóa dân gian được xuất bản. Với lý do sự sáng tạo cống hiến được kéo dài có khi cả cuộc đời nên không thể thu 10% thuế đối với các tác phẩm được phát hành.

HOÀNG ĐIỆP

Bà NGUYỄN THỊ THÌN (phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế):

Lực lượng sáng tác phải tự kiến nghị!

Lực lượng sáng tác có rất nhiều dạng, và mỗi ngành có một đặc thù khác nhau. Đơn cử như văn học, để sáng tác được một cuốn tiểu thuyết có thể các tác giả cần từ một đến nhiều năm liền thai nghén và thể hiện. Nhưng khi xuất bản tác phẩm, theo Luật thuế thu nhập cá nhân, vẫn phải tạm khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân trong một năm mà tác phẩm ra đời. Như vậy khá thiệt thòi bởi công sức lao động của họ trong nhiều năm nhưng lại chỉ được tính trong một năm.

Tuy nhiên, để làm được việc tính thuế thì cụ thể những đơn vị như Hội Nhà văn cần phải có những đề xuất cụ thể với Tổng cục Thuế mà trong đó phải phân tích rất kỹ các trường hợp: người viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản...

Cũng còn một cách khác, đối với các nhà xuất bản, thay vì đề xuất nhận tiền một lần thì có thể chia nhỏ số lần nhận tiền cho tương xứng với thời gian lao động. Ví như cách tính thuế đối với những người cho thuê nhà, không phải nhận tiền trong một lần nữa mà chia đều theo số năm. Như vậy, số tiền nộp thuế sẽ hợp lý và tương xứng hơn.

H.ĐIỆP ghi

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo