Để lách luật và thực hiện được việc mua bán thận, các đối tượng buôn thận phải “phù phép” giấy tờ, biến người bán, kẻ mua thành “anh em, chú cháu”.
Các giấy tờ “ma” này qua mặt hội đồng ghép tạng bệnh viện một cách dễ dàng.
Sau nhiều ngày thâm nhập đường dây buôn thận, nhóm PV Tuổi Trẻ phát hiện đường dây của bà Yến, bà Hà môi giới thành công nhiều phi vụ mua, bán thận. Nhiều trường hợp được ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Huế tuy giấy tờ pháp lý thể hiện tự nguyện hiến thận, nhưng thực chất là những cuộc mua bán.
Sửa hộ khẩu
Theo điều tra, có những giấy tờ được đường dây buôn thận này làm giả hoặc chỉnh sửa để việc bán thận trót lọt, suôn sẻ. Cụ thể, nhóm bà Yến thường chỉnh sửa một số chi tiết trong hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND) của người bán thận, làm giả giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cha mẹ của người bán thận.
Chiều 16-8, bà Hà hỏi chúng tôi gia đình có mấy anh em, tên tuổi, quê quán... thế nào. Khi chúng tôi nói gia đình có sáu anh em, bà Hà yêu cầu chỉ đọc tên tuổi, quê quán của bốn người để ghi lại.
Bà Hà khẳng định việc đọc tên bốn người trong gia đình là làm cho có lệ, đường dây của bà sẽ làm lại hộ khẩu và các loại giấy tờ xác nhận khác. Thấy chúng tôi thắc mắc, bà Hà quát: “Mày yên tâm, chuyện hộ khẩu, giấy tờ bên chị lo làm được hết”.
Trong thời gian ở chung nhà nghỉ với những người đi bán thận, một thanh niên tên Thông (20 tuổi, quê Đồng Nai) kể giữa tháng 7-2014, Thông được bà Hà đưa ra Hà Nội bán thận. Lúc làm thủ tục ở một bệnh viện, bà Hà và Dũng “trọc” đưa CMND có dán ảnh của Thông nhưng tên và các thông tin trên CMND lại hoàn toàn khác. Khi trình giấy tờ ra, bệnh viện nghi CMND giả mạo nên từ chối thực hiện làm thủ tục hiến thận.
Không qua mặt được bệnh viện, bà Hà phải chuyển Thông vào Huế nằm chờ. Thông cho biết có một số thanh niên ở chung đã lên bàn mổ lấy thận ở Bệnh viện Trung ương Huế bằng giấy tờ giả nhưng hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người của bệnh viện không phát hiện.
Do hầu hết thanh niên đi bán thận thường giấu gia đình nên đơn xin hiến thận của họ không có xác nhận của UBND phường, xã và sự đồng ý của thân nhân theo quy định.
Một thanh niên đợi bán thận ở cùng nhà nghỉ với chúng tôi là Vũ Đức Tài (20 tuổi, TP.HCM) cho biết đường dây buôn thận của bà Yến làm nhiều loại giấy tờ giả và giả cả chữ ký của gia đình, chính quyền địa phương.
Hồ sơ của Tài đều do một tay Dũng “trọc” tự biên tự diễn. Tài dẫn chứng: “Hộ khẩu nhà em có em là con trai và một em gái. Lúc ra đây bán thận em không mang theo giấy tờ gì. Ông Dũng chỉ hỏi các thành viên trong gia đình rồi tự làm cho em một hộ khẩu mới. Theo quy định, gia đình chỉ một người con trai thì không được hiến thận nhưng Dũng “trọc” biến tên em gái của em là Vũ Hoàng Dung thành em trai tên Vũ Văn Dung”.
Một thanh niên tên Nam (ở Đắk Lắk) đang chờ bán thận kể thêm: “Bữa trước ông Dũng “trọc” và bà Hà kêu em viết đơn xin hiến thận. Các giấy tờ họ đưa ra cho em đều có con dấu sẵn rồi, em chỉ việc viết vào thôi”.
Đậu Kim Chung (ở Hà Nội, cũng là người đi bán thận) ngồi gần chúng tôi chen vào: “Em là con trai một và có hai chị gái. Nhưng không hiểu sao bà Hà lại sửa tên chị gái thành tên con trai rồi photo hộ khẩu, đóng dấu đỏ hẳn hoi. Buồn cười chết đi được”.
“Xưng hô chú, cháu cho quen”
Ngày 17-8, bà Hà thông báo với Vũ Đức Tài ngày mai ra hội đồng (hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Trung ương Huế) để chuẩn bị thủ tục ghép thận. Nghe tin này, cả ngày hôm đó Tài cứ bồn chồn, lo lắng, sợ lộ chuyện giấy tờ giả thì sẽ không bán được thận.
Thấy Tài căng thẳng, Đậu Kim Chung trấn an: “Ông yên tâm, mọi chuyện xong hết rồi, ra đó chỉ là thủ tục thôi”.
Trưa 18-8, Tài và ông Trung (người mua thận) từ bệnh viện cùng về ở khách sạn Thanh Nga nghỉ trưa để chiều ra hội đồng. Ngồi trong phòng, Tài nói với ông Trung: “Em run quá, không biết ra đó có giữ được bình tĩnh để trả lời câu hỏi”. Sau đó, Tài và ông Trung ngồi học thuộc cách xưng hô chú - cháu cho quen, để khi ra hội đồng nếu bị hỏi quan hệ họ hàng thế nào thì Tài phải trả lời ông Trung là chú của Tài.
Chiều cùng ngày, khi “lọt” qua được hội đồng, Tài đi bộ về nhà nghỉ Thanh Nga, còn ông Trung đón xe về quê đợi ngày lên bàn mổ ghép thận. Tài cho biết khi vào hội đồng, các bác sĩ chỉ hỏi mấy câu đơn giản như tên tuổi, quê quán, quan hệ với người ghép thận. “Lúc đó tui run lắm. May là tui định thần lại mới trả lời là nhà có hai anh em trai, không thì hỏng chuyện hết”.
Do giấy tờ “ma” dễ dàng qua mặt hội đồng nên số lượng bệnh nhân từ các tỉnh, thành phố khác kéo về Huế ghép thận thời gian gần đây tăng vọt. Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu thực hiện ghép thận từ năm 2001. Những năm đầu mới thực hiện, mỗi năm bệnh viện ghép thận cho 5-10 bệnh nhân.
Hai năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân được ghép thận tại bệnh viện tăng đột biến, số ca ghép một năm bằng nhiều năm trước cộng lại. Chẳng hạn năm 2013 bệnh viện mổ ghép thận cho 80 trường hợp và tám tháng đầu năm 2014 đã ghép thận cho 80 trường hợp.
Bước đường cùng
Có hàng chục lý do để thanh niên đi bán thận. Không ít người coi đó là giải pháp bất đắc dĩ cho việc giải quyết những khó khăn của bản thân và gia đình. Suốt quá trình thâm nhập thực tế, cùng ăn cùng ở với những người bán thận, chúng tôi nghe không ít câu chuyện đau lòng về thân phận con người khi phải liều bán đi một phần thân thể.
Chiều 19-8, một người đi bán thận tên Đào Văn Quân (22 tuổi, quê Quảng Ninh) được Dừa - “đệ tử ruột” trong đường dây buôn thận của bà Yến - chở về phòng trọ ở đường Nguyễn Chính (Q.Hoàng Mai, Hà Nội).
Quân mới lấy vợ được một năm, chưa có con. Tuy có việc làm ổn định nhưng vì máu mê cờ bạc nên Quân “nướng” mất mấy trăm triệu đồng. Hết tiền, Quân vay “đầu gấu” 500 triệu đồng để đánh tiếp và “nướng” luôn vào sòng bạc. Gia đình Quân phải bán đất, bán xe... nhưng vẫn còn thiếu 200 triệu đồng. Băng nhóm cho vay nặng lãi cho người mang “hàng nóng” đến nhà Quân đòi nợ, dọa không tha cho gia đình nếu không trả hết tiền.
Trong tình cảnh khốn quẫn, Quân được một người đàn ông tên Xuân ở Quảng Ninh “mai mối” đến với đường dây buôn thận. Quân nghẹn ngào: “Lúc đi em đâu dám nói với gia đình, chỉ bàn với vợ. Vợ em ngăn cản đủ đường nhưng em vẫn quyết định đi. Biết là bán thận sau này sẽ rất khổ, nhưng không bán cũng chết nên đành nhắm mắt làm liều”.
Cũng như Quân, Thảo (20 tuổi, TP.HCM) ở nhà nghỉ Thanh Nga (47/48 Ngô Quyền, TP Huế) được ba tuần. Mỗi ngày Thảo được bà Hà chuyển cho 100.000 đồng tiền ăn uống, chi tiêu. Vì cá độ đá banh nên Thảo mang nợ 100 triệu đồng và bị chủ nợ ráo riết đòi tiền. Chính chủ nợ gợi ý: “Sao, có khả năng trả hay không? Không có thì bán thận nhé!”.
Sau đó, người này cung cấp số điện thoại của Thảo cho đường dây buôn thận của bà Yến. Thảo đành phải khăn gói lên đường và nói dối cha mẹ là đi làm ăn xa. “Em lỡ rồi. Bây giờ chỉ muốn ra hội đồng cho nhanh rồi lên bàn mổ để có tiền trả nợ” - Thảo tâm sự.
Trong khi đó, Thông (quê ở Đồng Nai) không lâm vào con đường cờ bạc nhưng hoàn cảnh gia đình quá eo hẹp, nói dối gia đình, ra Huế chờ bán thận gần ba tháng. “Nhận được tiền, em sẽ làm vốn để mở một trang trại nuôi heo” - Thông dự tính.
Theo Tuổi trẻ Online