Xã hội

Đường dây nóng... không nóng

Ngày 2-1, phóng viênTuổi Trẻ thực hiện nhiều cuộc gọi vào các số máy đường dây nóng nhưng phần lớn các số máy này trong tình trạng “nghỉ tết”...

 

Điều đáng nói là một số đường dây nóng vừa được cơ quan chức năng công bố cách đây không lâu nhằm chuyển thông tin bức xúc của người dân.

 

Không ai nhấc máy

 

Ngày 2-1, để tiếp tục mở rộng thông tin sau bài “Hàng loạt trụ ATM nghỉ tết” (Tuổi Trẻ ngày 2-1), PV Tuổi Trẻ đã liên lạc nhiều lần vào các số điện thoại đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gồm các số (04) 38266344, (04) 3936.1017 thậm chí cả số di động 0974.899.702, 0942.966.854. Tuy nhiên, không có ai nhấc máy ở đầu dây bên kia.

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện lãnh đạo NHNN cho biết các đường dây nóng của cơ quan này chỉ tiếp nhận thông tin vào ngày hành chính, còn ngày lễ, ngày nghỉ thì không có người trực.

 

“Nếu người dân gặp trục trặc khi giao dịch ATM thì báo với ngân hàng cung cấp máy ATM đó. Vì theo quy định, ngân hàng sẽ phải dán số điện thoại để chủ thẻ có thể liên lạc 24/24 giờ mỗi ngày và bảy ngày trong tuần. Còn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, NHNN sẽ kiểm tra, giám sát thông tin về hoạt động của ATM qua nhật ký giao dịch. Trường hợp phát hiện sai phạm như máy bị hết tiền quá bốn giờ đối với máy trong nội ô và tám giờ đối với máy ở xa trung tâm mà không phải do lỗi kỹ thuật thì NHNN sẽ xử phạt từ 10-15 triệu đồng” - vị đại diện NHNN cho hay.

 

Bị trừ cước phí

 

Ngày 8-12-2014, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đưa vào sử dụng đầu số điện thoại 1800.6838 miễn phí phục vụ người tiêu dùng.

 

Với mục tiêu tiếp nhận các cuộc gọi phản ảnh, khiếu nại các vấn đề tiêu dùng nhằm bảo vệ người tiêu dùng tại VN, tuy nhiên ngày 2-1, khi Tuổi Trẻ gọi tới đường dây này, tình trạng chung là... nguội lạnh.

 

Mặc dù là ngày đầu năm người tiêu dùng mua sắm nhiều, có thể phát sinh những thắc mắc, khiếu nại cần giải quyết, tham vấn ngay, nhưng khi chúng tôi gọi điện đến tổng đài của Cục Quản lý cạnh tranh, kết quả là được hướng dẫn bấm các phím, được thông báo cuộc gọi đã được chuyển đến điện thoại viên, yêu cầu đợi...

 

Thế nhưng suốt cả sáng, chiều, câu trả lời cuối cùng phóng viên Tuổi Trẻ nhận được chỉ là: đã ngoài giờ làm việc, đề nghị gửi lại tin nhắn, dù thời điểm gọi điện mới 11g hay 15g...

 

Bức xúc hơn là đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường (1900.585.826), cơ quan tiếp nhận, xử lý các tin báo của tổ chức, cá nhân về đối tượng, hành vi và các thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

 

Tuy nhiên, đường dây này chỉ dành một câu đầu tiên giới thiệu là miễn phí, sau đó tính cước ngay 2.000 đồng/phút. Và sau tiếng pip tính cước, dù người tiêu dùng chưa phản ảnh được gì, tổng đài vẫn tiếp tục hướng dẫn bấm phím để được chuyển tới các đơn vị tiếp nhận xử lý nhưng họ đã bị tính tiền.

 

Ngày 2-1 chúng tôi liên tục gọi điện đến tổng đài, kết quả dù tốn khá nhiều tiền cước nhưng câu trả lời cuối cùng chỉ là “cảm ơn, hiện đường dây đang bận, xin gọi lại sau” hoặc sau khi đã tính cước được một chặp, tổng đài liên tục tiếng pip báo bận...

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Đặng Phương Nam, phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết do đang trong kỳ nghỉ tết nên không có người trực tiếp nhận thông tin tại tổng đài của cục, còn ngày làm việc bình thường luôn có cán bộ trực.

 

An toàn giao thông: 70 phản ảnh trong 2 ngày

 

Theo ông Nguyễn Trọng Thái - chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong ngày 2-1 bộ phận đường dây nóng của Ủy ban ATGT quốc gia nhận được khoảng 20 phản ảnh của người dân về việc chở quá tải, chở quá số người quy định, chạy đón trả khách không đúng nơi quy định, tăng giá vé ở các tuyến Yên Bái - Mỹ Đình, Hà Nội - Vinh, Mỹ Đình - Quảng Ninh (nhà xe Đức Phúc) và một số thông tin tư vấn về mức xử phạt mới về vi phạm chở quá tải trọng.

 

Trước đó, ngày 1-1, bộ phận đường dây nóng tiếp nhận khoảng 50 phản ảnh của người dân về việc chở quá tải, chở quá số người quy định, chạy đón trả khách không đúng nơi quy định, tăng giá vé (tuyến Hà Nội - Vinh, Phú Thọ, Ninh Bình...).

 

Ông Thái cho biết thông tin phản ảnh tình trạng chở quá số người quy định, tăng giá vé ít hơn các dịp nghỉ tết trước vì có thể do sát Tết Nguyên đán nên ít người về quê nghỉ lễ hơn.

 

Tuy nhiên vẫn có tình trạng tuyến Hà Nội - Phú Thọ tăng giá vé xe khách từ 50.000 lên 80.000 hoặc 100.000 đồng. Ngoài ra có trường hợp người dân hỏi về xử lý vi phạm như đóng bảo hiểm môtô, xe chở quá tải dưới 10% có bị xử phạt hay không?

 

Theo ông Thái, cũng có nhiều người gọi về số máy đường dây nóng nhưng khi nhân viên nghe máy thì không trả lời, có người chỉ gọi để... xác nhận có đúng số đường dây nóng không để khi có tình trạng vi phạm thì họ phản ảnh.

 

Với những xe tăng giá vé, chở quá người quy định, Ủy ban ATGT quốc gia gửi thông tin phản ảnh cho các cơ quan liên quan như chánh văn phòng ban ATGT, trưởng phòng cảnh sát giao thông các địa phương nói rõ số xe, hãng xe, chạy tuyến nào, đang chạy đến đâu để kiểm tra xử lý.

 

“Các thông tin được gửi về là cơ sở để các cơ quan trên kiểm tra xử lý. Như Ninh Bình đã có kiểm tra và xử lý. Chúng tôi cố gắng để làm sao xử lý cho hết các phản ảnh. Có trường hợp không phản hồi việc xử lý tới ủy ban nhưng phần lớn các địa phương xử lý và phản hồi để ủy ban phản hồi cho người phản ảnh” - ông Thái cho biết.

 

Theo ông Thái, ngoài việc tổng hợp thông tin ba số đường dây nóng của Ủy ban ATGT quốc gia để xử lý, các đầu số đường dây nóng cũng tiếp nhận thông tin và có sự chia sẻ, chuyển tiếp phản ảnh như từ văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia đến Tổng cục Đường bộ, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) để các cơ quan nắm tình hình, phối hợp xử lý.

 

Y tế:  nhận 15 “lời phàn nàn”

 

Đã có 15 cuộc gọi đến đường dây nóng y tế/ngày trong hai ngày nghỉ 1 và 2-1. Theo ông Nguyễn Xuân Trường - chánh văn phòng Bộ Y tế, có 4/15 cuộc gọi đến trong ngày 1-1 phàn nàn về cơ sở vật chất của bệnh viện.

 

Ngày 2-1, ông Trường cho biết lại có 3/15 cuộc gọi phản ảnh về cơ sở vật chất của bệnh viện, 1/15 cuộc gọi cảm ơn dịch vụ y tế phục vụ tốt trong ngày nghỉ, 1/15 cuộc gọi hỏi về dịch vụ chuyển tuyến bệnh viện...

 

Ông Trường cho biết sau một năm thực hiện “đường dây nóng y tế” qua số điện thoại 1900.9095, không kể những ngày nghỉ như thế này, trung bình mỗi ngày các điện thoại viên nhận 50 cuộc gọi từ người dân.

 

Phân tích các cuộc gọi đến đường dây nóng trong một tháng, ông Trường cho biết bệnh nhân phàn nàn nhiều nhất về quy trình chuyên môn, thái độ của nhân viên y tế, cơ sở vật chất bệnh viện, viện phí và các tiêu cực của nhân viên y tế.

 

Tuy nhiên, đánh giá chung là chưa phải tất cả người dân gọi đến đường dây nóng đã được thông suốt ngay. Một bạn đọc của Tuổi Trẻ phàn nàn khi thấy bộ trưởng Bộ Y tế nói hôm 1-1 kêu gọi người bệnh có thắc mắc hãy gọi đường dây nóng.

 

“Bộ trưởng nói vậy mà không phải vậy. Tôi từng đi khám bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ nhưng bệnh viện bắt đóng tiền theo dịch vụ, trong khi tôi không có yêu cầu này. Tôi gọi đến đường dây nóng không được, gọi đến Bộ Y tế không được, phải khiếu nại đến báo chí” - bạn đọc này cho biết.

 

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 1.200 bệnh viện, cách thức khiếu nại hiện hành là sau khi người dân gọi đến đường dây nóng chung, tổng đài sẽ cung cấp số điện thoại nóng của bệnh viện mà người bệnh đang có phản ảnh để khiếu nại trực tiếp, bệnh viện không giải quyết được mới gọi lên cấp cao hơn. Cách thức này khiến rất nhiều người bệnh không thể phản ảnh ngay do cũng có lúc đường dây nóng bệnh viện bị... lạnh.

 

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo