Đường ống nước sạch sông Đà: Dùng 6 năm, chi hơn 10 tỷ đồng để sửa chữa
Được đầu tư mức kinh phí 1.500 tỉ đồng nhưng chỉ trong 6 năm đưa vào sử dụng, đường ống dẫn nước Sông Đà liên tục vỡ và tiêu tốn hàng chục tỉ đồng để sửa chữa.
Sau 7 lần liên tiếp vỡ đường ống dẫn nước sạch Sông Đà, khoảng 14h ngày 24/6, đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội đã gặp sự cố tại tại Km 25 Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Thạch Thất, Hà Nội). Một chiếc van khóa nước của đường ống đã bị hỏng khiến nước tràn ra đường...
Theo ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải), điểm vỡ xảy ra sự cố hỏng van trùng với điểm vỡ đường ống lần thứ 7 xảy ra vào ngày 17/6/2014.
Tại hiện trường, nước từ ống DN 1500 tràn ra đường gom dân sinh Láng - Hòa Lạc. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công ty nước sạch Vinaconex đã huy động công nhân, máy móc xuống hiện trường khắc phục sự cố.
Theo tìm hiểu, hệ thống cấp nước sạch sông Đà – Hà Nội là một phần quan trọng của Dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) làm chủ đầu tư.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn với công suất lên đến 600.000m3/ngày đêm. Năm 2008 đã hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng. Được đầu tư tới hơn 1.500 tỷ đồng, sau khi được đóng mác “vàng” chất lượng xây dựng Việt Nam (năm 2010), đến nay đường ống dẫn qua Đại lộ Thăng Long liên tiếp bị vỡ tới 7 lần.
Về việc phân định trách nhiệm, Bộ Xây dựng đã nêu lên trách nhiệm của đơn vị tổng thầu thiết kế, nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh, các nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu giám sát thi công xây dựng và cuối cùng là chủ đầu tư – VINACONEX.
Theo đại diện của Công ty CP Nước sạch Vinaconex, mỗi lần sửa chữa khắc phục đường ống dẫn nước sạch sông Đà bị vỡ, tốn kém tùy vào từng trường hợp cụ thể. Tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng số tiền sửa chữa mỗi lần ít nhất cũng hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 xảy ra sự cố, đường ống tiếp tục ngốn thêm đến cả chục tỷ đồng.
Một công trình có giá trị 1.500 tỷ đồng mà sau khi đi vào sử dụng được 6 năm đã phải đổ vào cả 10 tỷ đồng để sửa chữa thì vấn đề trách nhiệm cũng cần được chỉ ra rõ ràng chứ không chỉ chịu trách nhiệm quản lý chất lượng một cách chung chung.
Mặt khác, ông Trương Quốc Dương, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cho biết: “Chúng tôi chỉ là đơn vị quản lý vận hành, với trách nhiệm chính là khi có sự cố xảy ra thì phải làm sao nhanh nhất để khắc phục và cung cấp nước trở lại cho người dân”.
Về việc thời gian thi công để làm lại đường ống dẫn nước, ông Dương cho biết cần có dự án cụ thể và mất nhiều thời gian chứ không phải nói một hai câu là xong. Nói về kết luận của Bộ xây dựng về nguyên nhân vỡ ống nước sông Đà, ông Dương cho rằng: “Nếu căn cứ theo kết luận của Bộ Xây dựng thì đường ống dẫn nước sông Đà vẫn có nguy cơ tiếp tục bị vỡ”.
Ông Dương cũng cho biết, hiện đơn vị đang triển khai dự án xây dựng và lắp đặt tuyến ống dẫn nước thứ 2, hiện chỉ có 1 tuyến ống duy nhất nên áp lực lớn nếu có tuyến ống thứ 2 sẽ xây đối xứng với tuyến ống cũ. “Ngoài ống sợi thủy tinh, sắp tới chúng tôi sẽ sử dụng chất liệu tốt hơn, có thể bằng ống thép hoặc ống gang dẻo”, ông Dương cho hay
Theo ông Dương, ngày trước làm đường ống bằng composite cốt sợi thủy tinh thì chi phí hết khoảng gần 500 tỷ đồng, nhưng nếu chọn chất liệu bằng ống thép hoặc gang dẻo thì chắc chắn chi phí sẽ đội lên rất cao, khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo Dân Trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo