Pháp luật

Đường "quan lộ" của Trịnh Xuân Thanh trước khi bị truy nã

(DNVN) - Trước khi truy nã, ông Trịnh Xuân Thanh từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Như tin tức đã đưa, ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Trước đó, ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46(P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Trước khi truy nã, ông Trịnh Xuân Thanh từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

Theo VTC News, ông Trịnh Xuân Thanh (SN 1966), quê quán Đông Anh - Hà Nội. Ông Thanh từng tốt nghiệp ĐH Kiến Trúc Hà Nội, là kỹ sư quy hoạch đô thị và có trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Năm 1990-1995, ông Thanh làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức (cũ). Năm 1996-2000, ông làm Phó Giám đốc xí nghiệp Xây dựng và trang trí nội thất 1, công ty Phát triển kinh tế kỹ thuật Việt Nam (DETESCO VN) thuộc Trung ương Đoàn.

Từ năm 2000-2006, ông Thanh làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng (Bộ Xây dựng). Tháng 8/2006 - 10/2007, ông Thanh được bầu làm Phó Tổng giám đốc rồi Tổng Giám đốc tổng công ty Xây dựng Sông Hồng.

Năm 2007-2013, ông Thanh làm Chủ tịch HĐQT, Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy; Tổng Giám đốc tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Trong giai đoạn này, bộ đôi Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận chính là hai nhân vật đã "góp công" lớn trong việc để xảy ra khoản lỗ hơn 3.300 tỷ đồng tại Tập đoàn PVC.

 

Mặc dù chèo lái khiến một con tàu thua lỗ nặng nề nhưng con đường công danh của Trịnh Xuân Thanh lại vô cùng khởi sắc. Ông ta liên tiếp được cân nhắc, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo quan trọng của Bộ, ngành.

Tháng 9/2013 - 4/2015, ông Thanh làm Phó chánh Văn phòng bộ Công Thương, Trưởng đại diện tại TP. Đà Nẵng; Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng bộ Công Thương; Vụ trưởng; Chánh văn phòng ban Cán sự Đảng bộ bộ Công Thương; Thường trực ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ.

Tháng 5/2015, khi được bộ Công Thương luân chuyển công tác vào tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh này đã có tờ trình HĐND tỉnh bầu ông Thanh giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 với 43/47 phiếu tín nhiệm.

Theo kết quả bầu Đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016-2021) do Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố, ông Trịnh Xuân Thanh được 198.392 cử tri của đơn vị bầu cử số 1 (các huyện Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A của tỉnh Hậu Giang) tín nhiệm, đạt 75,28% số phiếu hợp lệ, trúng cử Đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, sau đó, ông Thanh đã bị hủy tư cách ĐBQH vì có nhiều sai phạm.

Tháng 6/2016, dư luận cả nước xôn xao khi báo chí phản ánh thông tin chiếc Lexus 570 trị giá hơn 5 tỷ đồng được đeo biển số xanh 95A-0699 của ông Trịnh Xuân Thanh, lúc đó còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang xuất hiện trên đường phố địa phương này. Sau sự việc, một số sai phạm của ông Thanh liên tiếp bị phanh phui...

 

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo