Xã hội

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào sử dụng từ tháng 9/2017

(DNVN) - Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết tại buổi họp báo ngày 29/9.

Tại buổi lọp báo, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông khởi công từ tháng 10/2009 với tổng mức đầu tư 586 triệu USD, được phía Trung Quốc cho vay vốn tín dụng ưu đãi. Các nhà thầu Trung Quốc thực hiện toàn bộ khâu thiết kế, thi công, giám sát. Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra công nghệ cho Dự án này. 

Tuy nhiên, năm 2009 có biến động lớn về vật tư thiết bị máy móc nhập khẩu, vì vậy năm 2013, phía Trung Quốc đã đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư vì toàn bộ gói vật tư thiết bị bị trượt giá.

"Phía Việt Nam và Trung Quốc tính toán phải bổ sung thêm trên 250 triệu USD và việc này đã công bố cách đây 2 năm. Vừa rồi, thủ tục pháp lý cho thực hiện vay vốn này chính thức đầy đủ, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất đưa hạng mục này vào ký chính thức nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án”, ông Trường nói.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, tiến độ của Dự án cơ bản được kiểm soát. Bộ GTVT đã làm việc với tổng thầu Trung Quốc, khẳng định cuối năm nay, toàn bộ phần xây lắp liên quan tới kết cấu chính gồm hệ thống dầm, trụ, nhà ga… sẽ cơ bản hoàn thành.

Riêng gói thiết bị phục vụ gồm các đoàn tàu, hệ thống đường ray, thông tin tín hiệu, nhà điều hành, toàn bộ nhà xưởng thực hiện duy tu, bảo dưỡng… đang được đàm phán với giá trị dự kiến xấp xỉ 200 triệu USD. Quá trình đàm phán nhằm kiểm tra để bảo đảm công nghệ mới nhất đối với đường sắt trên cao, đồng thời đáp ứng được công nghệ tự động hóa cao và đáp ứng cả về giá thành. Bộ GTVT đang mời công ty thẩm định giá của Bộ Tài chính tham gia để thẩm định toàn bộ các vấn đề liên quan.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, chúng ta vẫn hoàn toàn  kiểm soát được tiến độ dự án và đến cuối năm 2016 đảm bảo sẽ hoàn thành toàn bộ phần xây lắp (bê tông). Phần còn lại (đoàn tàu, các thiết bị tại depot) do phải trải qua quá trình đàm phán, thẩm định giá, thẩm định công nghệ, đấu thầu, mua sắm, lắp đặt và chạy thử trong 3 tháng nên phải đến tháng 9/2017 mới có thể đưa dự án vào khai thác thương mại.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài hơn 13 km, qua 12 nhà ga với khoảng cách các nhà ga là 1,15 km.  Dự án do Tổng thầu Trung Quốc thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo