Đường sắt khổ 1m: Chấp nhận lạc hậu vì... kinh tế
Đó là nhận định của các chuyên gia xây dựng trước đề án xây thêm một tuyến đường sắt khổ 1m của Tổng công ty ĐSVN.
ThS. Nguyễn Biên Cương: Không thể xây đường sắt khổ 1.435
Chia sẻ thông tin với chúng tôi, ngày 11/6, ThS. Nguyễn Biên Cương - Hội viên Hội cầu đường Việt Nam cho biết: "Đúng là theo nhìn nhận đánh giá ở góc độ chuyên môn thì đường độc đạo mà xây khổ 1m là lạc hậu".
Thế nhưng, theo quan điểm của ông Cương thì việc Tổng công ty ĐSVN đề nghị xây dựng khổ đường sắt 1m cũng có lý do riêng, theo ông là họ muốn sử dụng tất cả các cơ sở vật chất cũ như đường ray, toa tầu. Còn ở nước ngoài thì hiện nay họ rất ít dùng đường khổ 1m đó.
Trước nhiều ý kiến chuyên gia nên xây dựng khổ đường sắt 1.435, ông Cương phân tích: "Tôi nghĩ không nên nâng khổ ray lên 1.435 theo tiêu chuẩn quốc tế hiện nay, vì đó cũng là 1 bài toán khó chứ không dễ đối với VN. Vì nếu vậy sẽ phải sửa lại toàn bộ hệ thống đầu máy toa xe, cho nên phải tranh thủ sử dụng đồ cũ để tránh lãng phí".
Về nguyên nhân không nên xây dựng đường sắt khổ 1.435, ông Cương chỉ rõ, là hiện giờ điều kiện kinh tế của nước ta đang hạn hẹp, các đầu máy toa xe cũ đều khổ 1m, nếu đổi sang khổ 1.435 thì vô hình chung sẽ không sử dụng được cơ sở hạ tầng cũ kể cả đường ray, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng khai thác.
Ông cho hay: "Ai cũng muốn xây dựng đường sắt khổ đôi 1.435 hiện đại nhưng đi theo nó sẽ có nhiều vấn đề, chi phí cao, phải trả lời chúng ta có làm được không, có nghĩa mục tiêu không phải là cái trung hạn, ngắn hạn mà là dài hạn".
PGS.TS Nguyễn Quang Toản: Xây đường khổ 1.435 là quá lạc quan
Đồng tình với quan điểm của ThS Cương, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Trường Đại Học GTVT Hà Nội cho biết: "Tôi thấy đề xuất của Tổng công ty ĐSVN là hoàn toàn hợp lý, nó cải thiện được sức chuyên chở, vận tải hành khách Bắc - Nam, nâng cao nâng lực của ngành đường sắt".
Theo ông Toản, đáng lẽ việc làm này đã phải làm từ lâu, nhưng không có kinh phí để thực hiện và khi có kinh phí thì muốn hiện đại hóa nhanh nhưng quá trình ấy không thể đẩy nhanh.
Ông Toản cho hay: "Muốn xây dựng đường sắt cao tốc, đường sắt đôi khổ 1.435, chỉ tính thời gian xây dựng để đưa vào sử dụng cũng phải kéo dài vài chục năm. Cũng giống như đường QL1A đáng lẽ phải nâng lên 4 làn xe từ lâu trước khi làm đường cao tốc thì đó mới là giải pháp hợp lý".
Còn trước ý kiến nói xây đường khổ 1m là lạc hậu, ông Toản phân tích rằng, đó là tư duy muốn hiện đại hóa ngay, đi tắt đón đầu, nhưng thật ra phát triển kinh tế với phát triển GTVT không thể nhanh như vậy, lấy đâu ra thời gian, lấy đâu ra tiền vốn mà trong 10 năm mà có thể nâng đường sắt từ đường sắt đơn lên cao tốc hay đường sắt đôi theo tiêu chuẩn châu Âu, đường sắt điện khí hóa.
Muốn làm được thì cũng phải mất vài chục năm, còn chỉ cần 5 hay 10 năm thì tuyến đường khổ 1m đã có thể trở thành hiện thực. Khổ 1.435 đồng nghĩa với nó là điện khí hóa, mà điện khí hóa mấy nghìn cây số không phải chuyện đơn giản, nước ta chưa đủ điều kiện về tiền vốn và thời gian.
Bên cạnh đó, ông Toản chỉ rõ: "Thay đổi cả một công nghệ 10 -20 năm cũng không phải thời gian ngắn, hơn nữa, tiềm lực kinh tế không phải dồi dào đến mức có thể bỏ tuyến đường sắt cũ, lên tuyến chất lượng cao hơn rất nhiều".
Chính vì vậy, ông Toản đánh giá, giải pháp bỏ đường 1m, xây dựng lên tuyến đường khổ 1.435 hay lên đường sắt siêu cao tốc đó là một giải pháp quá lạc quan, vì thực tế không một tiềm lực kinh tế, tiềm lực kỹ thuật nào thực hiện được. Mặc dù nói ra rất hay, tiến lên như thế thì sau không phải làm gì nữa, nhưng không thể có chuyện đó.
Về mức tiền đầu tư đề án này, theo ông Toản thì mức tiền đầu tư chênh nhau rất nhiều, có thể lên đến 3-4 lần. Có thể đường sắt khổ 1m thì chục triệu USD sẽ làm được, nhưng đường sắt khổ 1.435 thì cần có hàng trăm triệu.
Vấn đề mấu chốt ở đây là cứ cho là làm xong rồi nhưng trình độ chưa theo kịp, có tiền bỏ ra làm nhưng chưa chắc khai thác hiệu quả được.
Ông nhận định: "Nếu là Bộ GTVT tôi nghĩ nên ủng hộ đề xuất của Tổng công ty ĐSVN. Tôi chỉ thấy ở VN rất nực cười, nếu muốn không làm cái gì thì cứ vẽ thật to, còn cái thiết thực thì nó rất nhỏ".
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo