Đường xấu dừng thu phí: Hứa nhiều, làm được bao nhiêu?
Ngày 14/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản kiểm tra công tác tổ chức, quản lý, bảo trì các tuyến đường BOT.
Theo đó, để chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại về công tác quản lý, bảo trì công trình BOT sửa chữa và nâng cấp một số đoạn đi qua thị trấn trên Quốc lộ 20, tỉnh Lâm Đồng và các công trình BOT khác trên hệ thống Quốc lộ, Tổng cục Đường bộ yêu cầu nhà đầu tư và doanh nghiệp BOT phải thực hiện các công việc sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ theo đúng các quy định về quản lý, khai thác.
Theo công văn của Tổng cục Đường bộ, “Các công việc nêu trên phải hoàn thành trước ngày 30 /9 tới đây. Trường hợp Nhà đầu tư và Doanh nghiệp BOT không thực hiện hoặc không hoàn thành việc thực hiện trước thời hạn trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ quyết định dừng thu phí”.
Đối với các công trình, dự án BOT khác trên hệ thống đường Quốc lộ, Tổng cục Đường bộ giao các Cục Quản lý đường bộ thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp BOT có công trình BOT đã đưa vào khai thác và thu phí phải thực hiện đúng quy định về quản lý, bảo trì công trình đường bộ.
Trường hợp mất an toàn giao thông, các Cục Quản lý đường bộ kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, quyết định việc dừng thu phí theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT.
Tuyên bố ngừng thu phí các tuyến đường mất an toan giao thông đã được lãnh đạo Bộ GTVT nhắc đến nhiều lần. Trước đó, chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định: "Quan điểm của Bộ rất rõ ràng, sắp tới, đối với các tuyến đường BOT chất lượng kém, Bộ sẽ yêu cầu dừng thu phí, khi nào xử lý xong thì sẽ tiến hành thu phí. Đối với bất cứ tuyến đường BOT nào, trong quá trình vận hành không đảm bảo chất lượng, Bộ sẽ có giải pháp quản lý nhà nước để can thiệp".
Ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT - Bộ GTVT cũng nói: "Theo hợp đồng BOT ký kết giữa Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư BOT thì Nhà đầu tư phải xây dựng công trình đạt tiêu chẩn kỹ thuật theo thiết kế và phải duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên đảm bảo mặt đường bằng phẳng, êm thuận và có đầy đủ hệ thống báo hiệu an toàn giao thông trong suốt thời gian thu phí hoàn vốn.
Vì vậy, khi công trình bị xuống cấp mà Nhà đầu tư không kịp thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ theo hợp đồng thì phải dừng thu phí".
Tuy nhiên, hiện một số tuyến đường cao tốc bị phản ánh xuống cấp như cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai) do Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư vẫn tiến hành thu phí.
Được đưa vào khai thác sử dụng từ đầu tháng 1/2014 nhưng sau đó vài tháng, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện hiện tượng lún, lệch 3-5 cm.
Không chỉ có vậy, kết quả kiểm tra hiện trường của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng chỉ rõ, công tác thi công nền đường tại gói thầu 5A còn một số tồn tại, cụ thể: Vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, đá tảng to so với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây; công tác thoát nước tạm tại khu vực nền đường đào chưa được quan tâm; bề mặt của nền đường không bằng phẳng; đất đắp mang cống chưa đắp đúng thiết kế về chủng loại vật liệu là vật liệu thoát nước; ta luy nền đường đào gói thầu số 6 chưa được gia cố, hiện đã xuất hiện hiện tượng xói lở.
Để khắc phục những tồn tai trên, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã yêu cầu Chủ đầu tư bóc bỏ làm lại những vị trí nền đường bị hiện tượng cao su, lớp bê tông nhựa không đạt yêu cầu về độ chặt, về độ rỗng dư tại những lý trình như nêu trên; kiểm tra lại trọng lượng của lu, quy trình lu theo quy định...
Đồng thời, đề nghị VEC tiếp tục theo dõi lún và có biệp pháp xử lý bù lún kịp thời đối với vị trí nền đường bị lún nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.
Sau kết quả kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, VEC đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, mặt đường bị lún là do nền đất yếu.
Theo VEC, đoạn đường bị lún đi qua khu vực có điều kiện địa chất phức tạp, tiếp giáp giữa hai khu vực xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cọc đất gia cố xi măng của gói thầu 2 và phương pháp bơm hút chân không của gói thầu 3 nên tốc độ lún dư còn lại có sự chênh lệch.
Mặc dù vậy, VEC vẫn khẳng định, độ lún này nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Tương tự, sau 5 tháng thông xe, mặt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua xã Yên Hồng, huyện Ý Yên (Nam Định), bị hư hỏng nghiêm trọng. Mặt đường bị xé loang lổ, nhiều hố sâu xuất hiện tạo những “ổ voi”, gây khó khăn cho hàng chục nghìn phương tiện qua lại mỗi ngày.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc VEC cho biết, các vị trí hư hỏng nằm trong khu vực nền đất yếu, theo thiết kế cần gia tải chờ lún 4 đến 7 tháng.
Do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên tháng 3 vừa qua đoạn đường qua huyện Ý Yên mới hoàn tất. Với mục tiêu thông xe toàn tuyến vào 30/6 nên Bộ Giao thông Vận tải cho phép các vị trí đang xử lý nền đất yếu được dỡ tải sớm. Trong quá trình khai thác, đơn vị thi công vẫn theo dõi và bù lún, đồng thời lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ.
Đại diện chủ đầu tư thừa nhận, do đoạn đường chưa đủ thời gian chờ lún nên nền đường bị lún không đều, gây trồi sụt, ổ gà. Mặt khác, tại vị trí tiếp giáp giữa mặt đường bê tông nhựa với mặt đường láng nhựa dễ chịu tác động của lực phanh hãm xe khi giảm tốc độ nên gây bong tróc mặt đường. Để khắc phục tình trạng này, VEC đã chỉ đạo các nhà thầu thường xuyên kiểm tra, khắc phục điểm hư hỏng.
Ngày 10/6, chia sẻ thông tin với PV, ông Phạm Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc VEC cho rằng: "Phải dừng việc thu phí lại cho đến khi nào có thể đảm bảo về mặt chất lượng, đảm bảo cho việc khai thác an toàn, lúc đó mới được phép tiếp tục thông xe".
Thế nhưng, theo phân tích của ông Quang thì hiện nay, các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư đều đảm bảo được chất lượng công trình.
Chính vì vậy, trước chỉ đạo của Bộ, ông Quang cho rằng: "Vì chúng tôi đảm bảo được chất lượng nên chúng tôi dĩ nhiên không phải ngừng thu phí, vì nó đủ điều kiện đảm bảo để khai thác và thu phí".
Ngày 9/7, khi thị sát Quốc lộ 1A đoạn Hà Tĩnh-Quảng Bình, xem xét đường dẫn hai đầu vào hầm đường bộ Đèo Ngang, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phải thốt lên: “Đường lún thế này mà cũng thu phí của dân à”.
Bộ trưởng Thăng đã ra lệnh đơn vị vận hành hầm đường bộ Đèo Ngang ngừng ngay việc thu phí để tiến hành sửa chữa. Sau khi hoàn thành khắc phục các vệt hằn lún tốt mới được thu phí trở lại.
Trước lệnh của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu phải dừng thu phí tại trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang kể từ 9h ngày 10/7/2014 cho đến khi sửa chữa khắc phục toàn bộ các hư hỏng nêu trên.
Nhiều người hy vọng, Bộ trưởng Thăng sẽ tiếp tục thể hiện hành động mạnh mẽ đối với những chủ đầu tư "cãi" chỉ đạo, tiếp tục thu phí đường hằn lún.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo