Xã hội

E ngại khám sức khỏe tiền hôn nhân vì nhiều rào

Pháp lệnh Dân số quy định: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam, nữ kiểm tra sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn”. Lợi ích thì nhiều nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến bạn trẻ e ngại.

Chặn bệnh từ “trứng nước”

Theo Giáo sư - bác sĩ Đỗ Trọng Hiếu (Phòng khám nam khoa, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng), không thể chỉ nhìn bề ngoài là “đo” được sức khỏe sinh sản. Có rất nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục không thấy được bằng mắt thường hoặc không có các dấu hiệu ác tính nên bạn trẻ dễ bỏ qua hoặc xấu hổ không đi khám.

Theo GS Hiếu, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có khả năng lây truyền từ mẹ sang con như bệnh mụn rộp Herpes, bệnh u sùi ở cơ quan sinh dục, nấm, chlamydia, trùng roi, giang mai. Vì vậy, nếu khám và biết trước bệnh sẽ hạn chế việc lây cho trẻ. Đồng thời, khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể tìm hiểu tiền sử bệnh của hai vợ chồng, tìm hiểu các bệnh về rối loạn tâm thần, bệnh di truyền (hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu…). Nhờ đó, bác sĩ sẽ tư vấn để hai vợ chồng có thể sinh được những đứa con khỏe mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tháng 1.2011, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, đồng thời chỉ rõ các cơ sở y tế của tỉnh, thành phố cần phối hợp với ngành dân số để làm tốt vấn đề này.

Nhiều rào cản

Tuy nhiên, việc triển khai tới các tỉnh, nhất là khu vực nông thôn còn gặp nhiều rào cản. Bà Nguyễn Thị Huê - Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Bình là một trong những tỉnh đầu tiên làm thí điểm về chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. Hiện cả tỉnh có 16 xã có mô hình câu lạc bộ tiền hôn nhân với 123 câu lạc bộ đang hoạt động, thu hút gần 10.000 vị thành niên và thanh niên tham gia.

“Việc vận động thanh niên trước khi kết hôn đi khám sức khỏe vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Trước hết, tâm lý của các bạn trẻ không muốn “lạy ông tôi ở bụi này”, chỉ riêng việc phải đi khám sức khỏe chẳng khác nào nói mình bị bệnh, còn nhỡ khám ra bệnh, có khi người yêu cũng sợ mà chạy mất”- bà Huê nói. Ngoài ra, chỉ có tư vấn được miễn phí, còn các xét nghiệm, siêu âm… thì người dân phải tự bỏ tiền ra nên các cặp vợ chồng sắp cưới đều e ngại.

Bà Sầm Tố Uyên – Thư ký Dự án Mô hình tiền hôn nhân, Chi cục Dân số tỉnh Cao Bằng thì cho biết, tại tỉnh này, dự án được khởi động từ năm 2010, hiện các huyện đã thành lập được 19 câu lạc bộ tiền hôn nhân. Tuy nhiên, năm 2011 mới vận động được 6 cặp chuẩn bị kết hôn đi khám sức khỏe. Khi đến bệnh viện, do phải chờ đợi quá lâu, họ đều bỏ về hết. Còn năm 2012 cũng không vận động được ai.

“Để vận động các bạn trẻ vượt được tâm lý e ngại để đi khám sức khỏe trước khi kết hôn đã rất khó. Tuy nhiên, khi đến các cơ sở y tế thì không có phòng khám chuyên biệt, không có cán bộ y tế chuyên trách. Vì thế, các bạn phải xếp hàng khám bệnh như người bị ốm. Chính vì thế, các bạn càng e ngại hơn” – bà Uyên cho biết. Theo bà Uyên, cần phải có những phòng khám tiền hôn nhân riêng biệt mới có thể dẹp bỏ được tâm lý e ngại của bạn trẻ.

“Thanh thiếu niên khi có kiến thức sẽ tự bảo vệ mình khỏi các hành vi nguy cơ, trong đó có nguy cơ sinh con dị tật. Như vậy chất lượng dân số sẽ được nâng cao” – ông Nguyễn Cao Trường – Trưởng phòng Chất lượng dân số (Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế) khẳng định.

 

 

Đoàn Vân

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo