Erdogan hối tiếc vì không nhận thấy "bộ mặt thật" của Gulen
Hôm 03/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảm thấy hối tiếc về mối quan hệ đồng minh trước đây giữa ông với giáo sĩ sống lưu vong ở Mỹ Fethullah Gulen, người mà Ankara cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính quân sự bất thành hôm 15 và 16/7 vừa qua.
Ông Erdogan cho biết, ông đã không nhận thấy "bộ mặt thật" của Gulen - người từng hợp tác gần gũi với ông trong khi ông giữ chức Thị trưởng thành phố Istanbul trong những năm 1990 và khi ông giữ chức Chủ tịch Đảng Công lý và Phát triển vào năm 2002.
Gulen đã sống lưu vong kể từ năm 1999 sau khi bị chính quyền Ankara kết tội phản quốc. Gulen là người đứng đầu phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia mang tên ông. Phong trào này được cho là đã lan rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, với nguồn kinh phí hoạt động lên tới một tỷ USD.
"Bất chấp mọi thứ, tôi cảm thấy buồn khi bản thân không nhận ra bộ mặt thật của tổ chức phản bội này trước đây", Tổng thống Erdogan cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình, ám chỉ tới mạng lưới của Gulen - mạng lưới mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhóm khủng bố.
Ông Erdogan từng ngầm thỏa thuận với giáo sĩ Gulen để phong trào Gulen hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Gulen sẽ sử dụng tiếng tăm, nguồn lực của mình hậu thuẫn cho ông Erdogan trên con đường chính trị.
Trong thời kỳ đó, phong trào Gulen thu hút được sự ủng hộ của nhiều người, kể cả các quan chức cấp cao trong lực lượng cảnh sát và tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, "tuần trăng mật" giữa hai người kết thúc khi ông Erdogan dần cảm thấy bất an với quyền lực ngày càng lớn của phong trào Gulen.
Sau khi dập tắt cuộc đảo chính quân sự, chính quyền Tổng thống Erdogan đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố sẽ chỉ dẫn độ Gulen nếu Ankara cung cấp "bằng chứng rõ ràng" và "không có những cáo buộc rằng, ông Gulen phải chịu trách nhiệm vụ đảo chính".
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã một vài lần nói bóng gió rằng, việc dẫn độ Gulen đe dọa đến các mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 02/8, ông Erdogan đã sử dụng những lời lẽ gay gắt bất thường nhằm vào Mỹ, trong đó ngụ ý việc chờ đợi để bắt được nhân vật này là "không thể chịu đựng nổi."
Một cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nổ ra vào đêm 15/7 khi một phe phái thuộc quân đội nước này tuyên bố rằng, họ đã nắm quyền kiểm soát đất nước và chính phủ không còn giữ trọng trách này.
Dù cuộc đảo chính thất bại nhưng tổng cộng 290 người đã thiệt mạng và trên 2.000 người khác bị thương. Gần 20.000 người thuộc lực lượng cảnh sát, công chức, tư pháp và quân đội đã bị bắt giữ hoặc đình chỉ công tác sau đảo chính.
End of content
Không có tin nào tiếp theo