Quốc tế

Erdogan: Mỹ "sai lầm lớn" khi không dẫn độ Gulen

(DNVN)-Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ rằng, sẽ là một "sai lầm lớn" nếu Washington từ chối dẫn độ Gulen - người mà Ankara cáo buộc là kẻ chủ mưu cuộc đảo chính hôm 15/7.

Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen - người đã sống lưu vong tại Mỹ từ cuối những năm 1990 - để đối mặt với cáo buộc cầm đầu vụ đảo chính bất thành hôm 15/7. 

Giáo sĩ Fethullah Gulen bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là chủ mưu đảo chính hôm 15/7 (Ảnh: Breitbart)

Yêu cầu dẫn độ Gulen từ chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 20/7 khi đích thân ông Erdogan tuyên bố rằng, sẽ là một "sai lầm lớn" nếu Mỹ từ chối dẫn độ kẻ chủ mưu này.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cảnh báo, "thậm chí có thể đặt ra nghi vấn về quan hệ hữu nghị giữa hai nước" nếu Mỹ không dẫn độ kẻ chủ mưu đảo chính Gulen. 

Thời báo New York dẫn tuyên bố của Erdogan cho hay, hàng ngàn công dân Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có "binh lính, cảnh sát, công chức, giáo viên, thẩm phán, luật sư và nhiều người thuộc các ngành nghề khác" là một phần của phong trào theo Gulen, người mà ông Erdogan coi là kẻ chủ mưu cuộc nổi dậy. 

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi những người ủng hộ Gulen là "Tổ chức Khủng bố Fethullah". 

Nhiều nhà quan sát bên ngoài cũng cho rằng, ông Erdogan có thể đã đúng khi nhận định về kẻ chủ mưu đảo chính Gulen, và họ lo ngại về tiền bạc và tầm ảnh hưởng của Gulen đã tích lũy được trong suốt những năm ông sống ở Mỹ. 

 

Hãng thông tấn Andalou của Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng, đích thân Tổng thống Obama đã thảo luận về việc dẫn độ ông Gulen trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/7. 

Trước đó, hôm 18/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, Mỹ "có một tiến trình chính thức về việc giải quyết các yêu cầu dẫn độ" và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp bằng chứng cho thấy Gulen dính líu tới vụ đảo chính. 

Trong khi đó, Phó thủ tướng Numan Kurtulmus hôm 18/7 cho biết, việc Mỹ dẫn độ Gulen sẽ là "tín hiệu lớn nhất về sự đoàn kết". 

Khi được hỏi liệu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có cân nhắc bất cứ sự giúp đỡ chiến lược nào từ Mỹ sau vụ đảo chính hay không, Phó Thủ tướng Numan Kurtulmus đáp rằng, "việc dẫn độ Gulen tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một bước đi lớn thể hiện tinh thần đoàn kết".

Hơn 290 người đã thiệt mạng trong ngày diễn ra cuộc đảo chính quân sự hôm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Diễn biến bất ngờ này đã khiến quan hệ giữa Ankara và Washington căng thẳng trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc rằng Mỹ đang chứa chấp kẻ chủ mưu đảo chính Gulen. 

 

Về phần mình, ông Gulen, giáo sĩ sống lưu vong tại Mỹ từ cuối những năm 1990, đã bác bỏ bất cứ mối liên hệ nào với cuộc đảo chính và ra tuyên bố lên án diễn biến.  

Nên đọc
NM (Theo Breitbart)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo