Quốc tế

EU nên tan rã hay trở thành liên bang?

EU sẽ trở thành cái gì? Một con đường dẫn đến sự tan vỡ hoàn toàn đồng euro, với tất cả những hậu quả về kinh tế và chính trị. Con đường khác là một một sự chuyển đổi tài sản chưa từng thấy qua các đường biên giới của châu Âu và, đổi lại là một sự nhượng bộ chủ quyền tương ứng. Tách riêng hay là “siêu liên bang”: có vẻ đây là những phương thức lựa chọn giữa nhiều khả năng.

Trong hai năm lao đao vì khủng hoảng, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thoát khỏi lựa chọn này. Họ nói rằng họ muốn giữ nguyên vẹn đồng euro – có lẽ là ngoại trừ Hy Lạp.

 

Nhưng các nhà cho vay ở Bắc Âu, dẫn đầu là Đức, sẽ không giúp trả nợ đủ để bảo đảm đồng euro sống còn, và các nhà cho vay miền Nam châu Âu ngày càng làm phật ý nước ngoài vì chỉ vẽ họ cách kiếm sống.

 

Thủ tướng Angela Merkel vẫn cho rằng mối đe dọa về sự sụp đổ đồng euro là cần thiết để giữ cho các chính phủ đi theo con đường cải cách. Nhưng chính sách “bên bờ vực thẳm” của Đức đang ăn mòn lòng tin về tương lai đồng euro, dẫn đến chi phí cứu giúp tăng cao và đẩy nhanh đà sụp đổ mà Đức muốn tránh.

 

Những kế hoạch cứu giúp liên tiếp của châu Âu vào tháng 12 và tháng 2 không tới đích, cho dù ECB hỗ trợ tiền mặt lãi suất thấp và dài hạn cho các ngân hàng, khủng hoảng vẫn day dứt và càng sâu sắc hơn.

 

Nếu EU tan rã

 

Ngay cả những người ủng hộ cái chết khó khăn của đồng tiền chung giờ đây thừa nhận rằng khối euro không vững chắc và ngày càng lỏng lẻo hơn. Hy Lạp lẽ ra không bao giờ được gia nhập. Pháp và Đức điều khiển cỗ xe theo những qui tắc được thiết kế để ngăn hoạt động vay mượn của chính phủ vuột khỏi tầm kiểm soát.

 

Những nhà lãnh đạo khu vực euro đã không nắm được điều đó, ví dụ như, cho dù Ireland và Tây Ban Nha tuân theo các nguyên tắc tài chính của euro, hai nước này vẫn dễ bị tổn thương bởi một đợt bong bóng bất động sản, hay Bồ Đào Nha và Italy bị bao vây bởi tăng trưởng chậm và cạnh tranh kém.

 

 

Những người ủng hộ EU tan rã tưởng tượng một sự “chia tay” thân thiện. Một đồng tiền rẻ hơn sẽ giúp mức lương phù hợp năng suất lao động, ít nhất trong một thời gian. Mỗi chính phủ sẽ ra lệnh tất cả các hợp đồng trong nước - tài khoản, nợ vay, giá cả và thanh khoản - sẽ chuyển sang một đồng tiền mới.

 

Để ngăn tình trạng “chạy làng”, các ngân hàng, nhất là trong những nền kinh tế yếu kém, sẽ đóng cửa qua cuối tuần hay hạn chế rút tiền. Để ngăn vốn thất thoát, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát.

 

Ngay cả khi sự tan rã được tiến hành êm xuôi cách nào đó, các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ bị lung lay bởi tài khoản có không tương thích tài khoản nợ trong và ngoài nước, kéo theo một đợt sóng vỡ nợ và kiện tụng. Các chính phủ bị thâm hụt ngân sách buộc phải cắt giảm chi tiêu tối đa hoặc in thêm tiền.

 

Đó là viễn cảnh lạc quan, khả năng tệ hơn là EU tan rã giữa tình hình giá cổ phiếu toàn cầu lao dốc, những làn sóng người đổ xô đến rút tiền ở ngân hàng, sản xuất sa sút. Phá giá ở các nền kinh tế yếu kém và tăng giá tiền tệ ở những nền kinh tế mạnh sẽ phá hủy những nhà sản xuất trong nước giàu.

 

Kiểm soát tư bản là bất hợp pháp ở EU và sự tan rã đồng euro do vậy không hợp pháp, cả liên minh sẽ chìm trong tình trạng bất hợp lệ. Một số nước giàu sẽ tận dụng ưu thế để bảo vệ các nhà sản xuất của mình bằng cách đình hoãn thị trường; cố gắng ngăn chặn những kẻ di cư vì lý do kinh tế bằng cách hạn chế tự do di chuyển. Và nếu không có sự chuyển động của hàng hóa, con người hay vốn, thì ít nước nào chịu ở lại EU.

 

Trong bất cứ trường hợp nào, những rối ren của khu vực euro đã lan quá sâu. Các ngân hàng và những chính phủ đang chống đỡ nhau. Sự hỗ trợ hệ thống ngân hàng của ECB không thể ngăn các nền kinh tế yếu kém của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy và Ireland làm ngân hàng và chính phủ của họ suy yếu.

 

Chừng nào lãi suất trái phiếu vẫn cao và tăng trưởng kém, người ta sẽ còn nghi ngờ khả năng thanh khoản của các chính phủ và tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng. Nhưng chính sự nghi ngờ đó thúc đẩy lợi nhuận công tăng và ngăn ngân hàng cho vay, hạn chế tăng trưởng.

 

Nỗi lo sợ là nhà nước có thể phải xử lý một sự sụp đổ hệ thống ngân hàng làm cho trái phiếu chính phủ rủi ro hơn. Nỗi lo sợ là nhà nước không thể đương đầu làm cho khả năng ngân hàng sụp đổ nhiều hơn. 

 

Một “liên bang” EU có hạn chế

 

Vấn đề của khu vực euro không phải là tầm mức nợ, mà là cấu trúc chia nhỏ của liên minh. Tính chung thì nợ công khu vực euro chiếm 87% GDP, trong khi ở Mỹ là hơn 100%. Tương tự, các ngân hàng không quá lớn so với cả lục địa, chỉ lớn trong phạm vi từng nước.

 

Để sống còn, châu Âu phải trở thành liên bang nhiều hơn, vấn đề là “tính liên bang” cần nhiều hơn bao nhiêu.

 

Tuy nhiên, xem khủng hoảng euro như cơ hội để liên bang hóa EU sẽ là hiểu sai sự ham thích hội nhập của người dân. Thế hệ thời chiến tranh xem EU như một bức tường thành chống xung đột đang mất dần. Đối với phần lớn người châu Âu, đồng tiền chung hay là dự án tham vọng nhất của EU chỉ là sự khốn khổ.

 

Một phiên bản khác của “siêu quốc gia” là chấp nhận tình hình chính trị vẫn thuộc về cá thề quốc gia và tăng quyền lực của các chính phủ để kiểm soát các láng giềng. Nhưng điều đó cũng có vấn đề. Như tình hình khủng hoảng euro cho thấy, các chính phủ phải vật lộn để có quyết định chung.

 

Những nước nhỏ sợ rằng những nước lớn có nhiều thế lực hơn. Nếu Berlin chi tiền và chỉ dẫn cách cư xử cho phần còn lại ở châu Âu, Đức có nguy cơ gánh chịu sự phẫn nộ của các dân tộc.

 

Đó là lý do tại sao kế hoạch cứu giúp phải hạn chế chia sẻ gánh nợ và nhượng bộ chủ quyền. Thay vì xây dựng một hệ thống liên bang, các kế hoạch cứu giúp chỉ lấp đầy hai lỗ hỗng trong thiết kế ban đầu của đồng tiền chung.

 

Thứ nhất là tài chính: khu vực euro cần một hệ thống giám sát ngân hàng, tái cấp vốn, bảo đảm tài khoản và điều chỉnh.

 

Thứ hai cũng là tài chính: các chính phủ khu vực euro sẽ phải quản lý – và giảm bớt – gánh nặng tài chính chỉ với một sự cổ phần hóa nợ có giới hạn. Nhưng trong cả hai trường hợp, câu trả lời là không chuyển đổi mọi thứ sang tầm mức EU.

 

Các chính khách không còn có thể buộc ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hay mua trái phiếu chính phủ. Các ngân hàng sẽ không còn là Tây Ban Nha hay Đức, mà là của châu Âu. Sự hội nhập tài chính cũng có thể hạn chế. Brussels không cần phụ trách thuế và chi tiêu, cũng cần trái phiếu euro để chi trả nợ của tất cả chính phủ.

 

Tất cả những gì cần thiết là dành cho những nước nặng nợ tiếp cận tiền và cho các ngân hàng có một lớp tài sản “an toàn” qui mô khu vực mà không gắn với tài sản của một quốc gia. Giải pháp là một trái phiếu euro thu hẹp hơn để cổ phần hóa gánh nợ hạn định trong một thời gian hạn định.

 

Chọn lựa tốt nhất là xây dựng một ý tưởng được Ủy ban Chuyên gia Kinh tế Đức đề xuất, cổ phần hóa gánh nợ hiện tại của tất cả các nền kinh tế euro chiếm trên 60% GDP.

 

Thay vì phát hành trái phiếu chính phủ mới, các nước từ Đức (nợ: 81%GDP) đến Italy (nợ 120% GDP) sẽ chỉ phát hành những trái phiếu chung này cho đến khi nợ công của họ giảm xuống mức 60%. Thị trường trái phiếu chung mới, trị giá khoảng 2.300 tỉ euro, sẽ được hoàn trả trong vòng 25 năm tới. Mỗi nước sẽ cam kết một mức thuế xác định để có tiền mặt.

 

Tuy nhiên, ngay cả phiên bản liên bang EU hạn chế hơn này cũng có rủi ro. Nhà điều hành duy nhất của hệ thống ngân hàng cần thay đổi hiệp ước, đây là vấn đề khó khăn khi 10 nước EU không phải là thành viên euro. Hiệp ước thành lập gói cứu giúp châu Âu cũng phải được thay đổi để cho phép trực tiếp cấp tiền cho các ngân hàng.

 

Đây là một chương trình hoạt động lâu dài nhưng có thể quản lý, hơn là cố gắng thiết kế lại một EU mới, và ít tốn kém hơn là để EU tan rã.

 

Câu hỏi còn lại: liệu người Đức, người Áo và người Hà Lan có cảm thấy đoàn kết gắn bó với người Italy, người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha và người Ireland đủ để họ đóng góp trả nợ? Đã đến lúc các nhà lãnh đạo châu Âu, và cá nhân bà Merkel, nỗ lực thúc đẩy trách nhiệm “liên bang” này.

 

 

Theo SGTT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo