Quốc tế

EU nhất trí duy trì lệnh trừng phạt Nga

Ngày 19/3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga sẽ được duy trì cho đến khi một thỏa thuận hòa bình tại Ukraine được thực thi đầy đủ. Theo đó, lệnh trừng phạt có thể được kéo dài đến cuối năm nay nếu châu Âu thấy cần thiết.

Sau ngày đầu tiên diễn ra phiên họp của Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Donald Tusk cho biết: "Tối nay, chúng tôi đã thảo luận về vấn đề Ukraine và Nga. Các nhà lãnh đạo đã nhất trí duy trì lệnh trừng phạt Nga để gây sức ép đối với Nga cho đến khi các thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ".

 

 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Ảnh Tass)

 

Các quan chức và các công ty của Nga đã phải đối mặt với đợt trừng phạt đầu tiên của phương, trong đó có lệnh phong tỏa tài sản và cấm cấp visa, sau khi Nga sáp nhập Crimea vào giữa tháng 3 năm ngoái tiếp sau cuộc đảo chính diễn ra vào tháng 2/2014 tại Ukraine.

 

Bất chấp nhiều lần Matx-cơ-va tuyên bố rằng, cuộc trưng cầu dân ý của Crimea về việc tách khỏi Ukraine là phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, giống như sự kiện Kosovo tách khỏi Serbia vào năm 2008, nhưng Kiev và phương Tây đã từ chối thừa nhận tính hợp pháp của việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của họ. Đặc biệt, phương Tây đã thông báo các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga vào cuối tháng 7 năm 2014 với cáo buộc rằng, Matx-cơ-va dính líu đến các cuộc biểu tình ở phía Đông Nam Ukraine.

 

Đáp lại, ngày 06/8/2014, Nga đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu kéo dài 1 năm đối với thịt bò, thịt lợn, gia cầm, cá, pho mát, trái cây, rau quả và các sản phẩm bơ sữa từ Australia, Canada, Liên minh châu Âu, Mỹ và Na-uy. Sau đó, các biện pháp trừng phạt quy mô lớn của phương Tây nhằm vào Nga tiếp tục được áp đặt vào tháng 9 và tháng 12/2014.

 

Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc "thôn tính" Crimea, bởi vì Crimea tự nguyện sáp nhập vào Nga sau khi tổ chức trưng cầu dân ý, cũng như các cáo buộc rằng Matx-cơ-va dính líu đến cuộc khủng hoảng tại phía Đông Nam Ukraine.

 

Các cuộc đàm phán đều đặn với sự tham gia của Nhóm Tiếp xúc Ba bên về việc giải quyết khủng hoảng tại miền Đông Ukraine bao gồm đại diện của Nga, Ukraine cũng như Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) đã được tổ chức tại Minsk trong 3 ngày từ ngày 10 đến ngày 12/2. Các cuộc hội đàm 4 bên gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine về vấn đề Ukraine cũng đã chấm dứt hôm 12/2 tại thủ đô Belarus.

 

Một gói các biện pháp thực hiện thỏa thuận Minsk gồm 13 điểm đạt được hồi tháng 9  năm 2014 đã được thông qua tại các cuộc đàm phán trong tháng trước. Nội dung gói các biện pháp này bao gồm thỏa thuận ngừng bắn từ ngày 15/02, rút các loại vũ khí hạng nặng, cũng như các biện pháp về giải quyết chính trị lâu dầu liên quan đến tình hình tại Ukraine, trong đó có việc thực thi quy chế tự trị đặc biệt cho khu vực Donetsk và Lugansk.

N.Minh (Theo Reuters/Tass)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo