EU 'siết' nông sản Việt: Cảnh báo đã ứng nghiệm
Theo văn bản thông báo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/10/2014.
Liên tiếp
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam sang EU là gần 55 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 57% giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Quốc gia nhập nhiều rau củ quả từ Việt Nam nhất là Hà Lan với gần 24 triệu đô la Mỹ, tiếp theo là Đức, Pháp, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha…
Trong nhóm các mặt hàng rau quả xuất khẩu sang EU, trái cây được xuất mạnh nhất. Cụ thể, một số mặt hàng trái cây đạt mức tăng cao như chanh, dứa, mãng cầu, chuối, vải.
Trong 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu chanh đạt cao nhất với 8,4 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 192 % so với cùng kỳ năm 2013. Còn thanh long đứng thứ hai với hơn 5,9 triệu đô la Mỹ, tăng gần 16% so với cùng kỳ.
Mới đây nhất, Tổng vụ sức khỏe và người tiêu dùng châu Âu (DGSANCO) cho biết, từ đầu năm đến nay đã phát hiện ba lô hàng húng quế và khổ qua của Việt Nam có côn trùng gây hại mà EU cấm. DGSANCO cũng đồng thời cảnh báo sẽ cấm nhập khẩu 5 loại rau gia vị gồm húng quế, ớt, cần tây, khổ qua và ngò gai từ Việt Nam nếu phát hiện thêm hai lô hàng vi phạm từ nay đến cuối năm.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2014, thanh long và chuối của Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Theo Bộ Công Thương, trong 10 thị trường xuất khẩu rau quả hàng đầu của nước ta, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm 30,43%, đạt 258,87 triệu USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều loại rau quả, nhưng chủ yếu là nhãn khô, táo, thanh long, quả dừa khô, sầu riêng.
Trong nhóm hàng rau quả xuất khẩu, trái thanh long được tiêu thụ phần lớn tại thị trường châu Á, nhiều nhất là Trung Quốc, chiếm 75-80%, song chủ yếu lại buôn bán qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Lệ thuộc vào một thị trường là chết
Xuất khẩu thanh long chủ yếu qua Trung Quốc nên khi nước này siết chặt hơn quy định nhập khẩu, lập tức nông dân trồng thanh long ở Việt Nam lao đao.
Theo quy định mới của Trung Quốc, trái thanh long nhập khẩu vào nước này phải đạt 3 tiêu chuẩn: Trọng lượng trái phải đều, khoảng 3 trái một kg; vẩy thanh long phải tươi; màu sắc phải hồng (không xanh quá, không hồng quá). Đặc biệt, vào thời điểm tháng 7, tháng 8 vừa qua, rệp sáp đang là đối tượng kiểm dịch chính của Trung Quốc, nếu trên trái xuất hiện loại rệp này thì doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không mua. Bởi vậy, nhiều nông dân Việt Nam đã phải đổ bỏ thanh long.
TS Trần Công Thắng (Viện nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ rõ: "Sự phụ thuộc làm cho hệ thống của Việt Nam lười thay đổi. Đấy là chưa kể thị trường Trung Quốc đặt tiêu chuẩn chất lượng thấp làm cho người dân, doanh nghiệp lười nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng và không đảm bảo.
Chúng ta không phát huy được lợi thế trong hội nhập. Hội nhập giúp đa dạng hóa thị trường và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhưng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến chúng ta thụ động. Trong khi xuất khẩu sang thị trường khác yêu cầu chất lượng cao hơn thì bắt buộc chúng ta phải đổi mới, thay đổi chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn, nâng cao giá trị của mình lên".
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên viện trưởng Viện Thương mại khẳng định, lệ thuộc vào một thị trường là chết. Ông Nam cho rằng, các thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua sản phẩm thô của Việt Nam về tái chế, chế biến để nâng cao giá trị rồi kiếm lời. Khi đã nắm thị phần cao, gần như độc quyền tiêu thụ họ sẽ hạ giá sản phẩm, đặt điều kiện cho Việt Nam và lúc ấy họ được quyền kén cá chọn canh, không mua thì chúng ta chết.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại cũng từng cảnh báo đến khả năng Trung Quốc có thể "chơi" Việt Nam.
"Có thể có khả năng họ “chơi” Việt Nam ở những thời điểm có những sản vật thời vụ. Họ sẽ gây trở ngại cho Việt Nam, điều xưa nay đã có rồi, có thể thời gian tới sẽ cực đoan hơn", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết