Quốc tế

EU trước tối hậu thư

Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức khẳng định cần những biện pháp trừng phạt “tự động và ngay lập tức” đối với những vi phạm chính sách ngân sách nhằm tái lập lòng tin đối với khu vực euro

Trong một nỗ lực vực dậy lòng tin của nhà đầu tư vào khu vực đồng euro, tại một hội nghị thượng đỉnh ở Paris hôm thứ hai 5.12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo sẽ thúc đẩy thay đổi các hiệp ước EU theo hướng những quy định nghiêm ngặt hơn để có một liên minh tiền tệ chặt chẽ hơn và giới thiệu các biện pháp trừng phạt những nước vi phạm giới hạn thâm hụt, nhằm bảo đảm một cuộc khủng hoảng nợ không thể xảy ra nữa.


Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Paris ngày 5.12, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức khẳng định cần những biện pháp trừng phạt “tự động và ngay lập tức” đối với những vi phạm chính sách ngân sách nhằm tái lập lòng tin đối với khu vực euro.


Cặp “Merkozy”, một cách gọi hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức, đã công bố một tối hậu thư cho 27 chính phủ trong EU, yêu cầu các nước quyết định vào cuối tuần này là có chấp thuận kiểm soát ngân sách quốc gia nhiều hơn. Theo đó, 17 nước trong khu vực euro sẽ tạo một liên minh gắn bó hơn qua ký kết một thoả thuận mới ngoài các hiệp ước EU, có nghĩa là tạo nguy cơ cô lập nước Anh, và chín nước khác không tham gia đồng tiền chung.


Theo quy định hiện hành, 17 quốc gia euro có cùng đồng tiền nhưng lại ít giám sát các chính sách ngân sách của nhau. Một nguyên tắc chủ yếu trong kế hoạch Pháp – Đức là giới thiệu những biện pháp trừng phạt “tự động và ngay lập tức” đối với những vi phạm chính sách ngân sách. Những biện pháp như thế đã được đưa vào các hiệp ước EU nhưng chưa được thực thi do áp lực phản đối trong nước.


Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức cũng cam kết không gây áp lực để các nhà đầu tư tư nhân đồng ý chấp nhận thua lỗ đối với các trái phiếu mệnh giá euro – một yếu tố chủ yếu trong gói cứu giúp thứ hai cho Hy Lạp.

Đề xuất đánh dấu một bước quan trọng trong chiến lược gần đây nhằm tái lập lòng tin đối với khu vực euro. Một số nhà làm chính sách hy vọng bước đi này đủ để thuyết phục ngân hàng Trung ương châu Âu nhanh chóng can thiệp vào các thị trường trái phiếu chính phủ để lật ngược những đợt bán tháo gần đây và góp phần giảm chi phí vay.


Bất kể con đường nào phải đi, các nước châu Âu cũng sẽ đối mặt nhiều thách thức. Điều chỉnh các hiệp ước EU có thể là một cuộc đấu tranh khó khăn, nhất là sau khi nước Anh cảnh báo rằng họ sẽ đề xuất trưng cầu dân ý để từ bỏ nhiều quyền lực của EU. Và nếu các quốc gia khu vực euro quyết định theo đuổi con đường riêng về phía hội nhập tiền tệ sâu hơn, họ vẫn khó tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng đối với cái mà một số lực lượng chính trị gọi là “mất chủ quyền”.


Cuộc chiến chính trị đặc biệt khó khăn ở Pháp, nơi mà cử tri sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống vào mùa xuân này. Một số ứng viên – như Hollande của đảng Xã hội và Marine Le Pen thuộc đảng cực hữu Mặt trận quốc gia – đã lên án Tổng thống Sarkozy là nhượng bộ Đức và từ bỏ chủ quyền đối với ngân sách quốc gia. Trong một diễn văn tuần rồi, Tổng thống Sarkozy cho biết Pháp có nguy cơ rơi vào suy thoái hay thậm chí là đình trệ kinh tế nếu tự ràng buộc vào quyền bảo hộ.


Ở trung tâm của cuộc tranh cãi về chủ quyền tài chính là vấn đề trừng phạt những vi phạm quy định ngân sách. Merkel và Sarkozy đã đề nghị các biện pháp trừng phạt tài chính tất nhiên đối với những nước có thâm hụt ngân sách vượt quá 3% GDP. Từ lâu Đức ủng hộ ý tưởng trừng phạt tất nhiên, xem là cách ngăn cản hoang phí ngân sách, trong khi Pháp ủng hộ một phương pháp được chính phủ kiểm soát hơn. Theo một cam kết được đề xuất, Sarkozy và Merkel nói rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng.


Những đề xuất Pháp – Đức sẽ được trình bày chi tiết trong một lá thư gửi Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Herman Van Rompuy để đưa ra tranh luận tại hội nghị thượng đỉnh EU trong hai ngày bắt đầu từ chiều thứ năm 8.12.

Theo SGTT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo