EU xem xét việc gia nhập Schengen của Bulgaria và Romania
Hiện có Hà Lan, Đức và Phần Lan phản đối việc gia nhập khu vực miễn thị thực Schengen của hai nước trên.
(VOV) Các quốc gia khu vực miễn thị thực Schengen muốn nhận được thêm nhiều bản báo cáo từ phía Bulgaria và Romania trước cuối năm 2013 để có thể quyết định là liệu có nên cho hai quốc gia này gia nhập khu vực tự do đi lại của châu Âu hay không. Đây là thông tin được Bộ trưởng Nội vụ Ireland Alan Shatter, nước đang giữ chức Chủ tịch EU hiện nay đưa ra sau cuộc họp các Bộ trưởng châu Âu tại Bỉ hôm 7/3.
Ông nói: “Chúng tôi đã xem xét vấn đề cho phép Romania và Bulgaria gia nhập khu vực đi lại tự do Schengen. Tại cuộc họp, các Bộ trưởng đã cùng xem xét lại kết quả các cuộc họp của Hội đồng châu Âu tháng 12/2012 cũng như các kết luận có liên quan của Hội đồng châu Âu và Hội đồng châu Âu đã quyết định giải quyết vấn đề này một lần nữa vào cuối năm 2013”.
Hiện tại có nhiều nước thành viên khu vực miễn thị thực Schengen, trong đó có Hà Lan, Đức và Phần Lan đã lên tiếng phản đối việc gia nhập khu vực miễn thị thực Schengen của Bulgaria và Romania cho rằng, để gia nhập khu vực, cả hai nước này cần phải trấn áp nạn tham nhũng và các loại tội phạm có tổ chức kiên quyết hơn nữa.
Tại một cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho biết: công dân Đức sẽ chỉ chấp nhận mở rộng khu vực Schengen khi các yêu cầu cần thiết được đáp ứng đủ.
Khu vực miễn thị thực Schengen được hình thành trên cơ sở Hiệp ước Schengen (tháng 6/1990) gồm 26 nước. Đó là 22 nước thành viên EU và 4 nước phi thành viên Liên minh châu Âu.
Trong khu vực Schengen, công dân các nước tham gia hiệp ước có thể đi lại tự do giữa các nước mà không cần đến thị thực và kiểm soát ở biên giới. Khu vực Schengen được cho là sẽ thúc đẩy hoạt động giao thương và du lịch của châu Âu. Tuy nhiên, cũng do sự tự do đi lại không có kiểm soát của người mang hộ chiếu Schengen đã tạo ra những kẽ hở làm gia tăng tình trạng tội phạm xuyên quốc gia và làn sóng nhập cư gây áp lực cho nhiều nước tham gia Hiệp ước Schengen, trong đó có Đức, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu./.
Hồng Lĩnh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo