Quốc tế

Eurozone chưa lặng sóng

Trong những ngày qua, Hy Lạp trở thành tâm điểm của thế giới khi đội bóng nước này viết nên một câu chuyện thần thoại là giành vé vào tứ kết Euro 2012 và cuộc Bầu cử Quốc hội Hy Lạp đã đến hồi ngã ngũ…

Theo CNN, cuộc bầu cử lại là cơ hội thứ hai để người dân Hy Lạp chọn ra một chính phủ mới nhằm đưa nước này khỏi bờ vực khủng hoảng, nhưng cũng được coi là cuộc trưng cầu ý dân cho số phận của nước này. Hy Lạp đã không có một Chính phủ hoàn chỉnh kể từ đợt bỏ phiếu lần đầu ngày 6/5 do ba đảng chính không thể thành lập nổi một chính phủ liên minh.

 

Giới phân tích cho rằng, mặc dù quy mô nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2,3% kinh tế của Eurozone, hay chiếm 0,4% kinh tế toàn cầu, thế nhưng diễn biến tại quốc gia nhỏ bé ở phía Nam châu Âu này lại có thể gây nên "cơn sóng thần tài chính" tác động tới toàn cầu, kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.

 

Đánh giá của giới phân tích cũng cho thấy, việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ khiến khu vực này ngay lập tức mất 350 - 400 tỉ euro, đồng thời gây chấn động cho thị trường tài chính quốc tế. Ngân hàng Goldman Sachs gần đây đã dự đoán rằng nếu Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro, giá trị nền kinh tế của toàn khu vực này có thể sẽ giảm 2%.

 

Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử với chiến thắng về phe bảo thủ vốn ủng hộ các biện pháp tài chính khắc khổ đã giành chiến thắng có thể giúp cho các nhà lãnh đạo châu Âu tạm thở phào vì trước mắt kịch bản tồi tệ nhất là Hy Lạp ra khỏi eurozone đã không xảy ra.

 

Sau khi kết quả được công bố, đồng euro lên giá 0,5% so với đồng USD và được giao dịch ở mức 1,2699 USD.

 

Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong thời điểm Hy Lạp cần phải đưa ra các khoản cắt giảm ngân sách vào cuối tháng này theo điều kiện của gói giải cứu từ châu Âu và đối mặt với 3,9 tỉ euro (khoảng 5 tỉ USD) trái phiếu đáo hạn vào tháng 8/2012.

 

Nếu thất bại, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ cắt nguồn tài chính cho các ngân hàng đang thoi thóp của Athens. Và có thể nói, nếu không có gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỉ euro (138 tỉ USD) từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì Hy Lạp đã vỡ nợ cách đây 2 năm.

 

Tuy nhiên, sự đời “có đi có lại mới toại lòng nhau,” và để nhận được “phao cứu sinh,” Athens buộc phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” như cắt giảm lương khu vực công và tư, cắt giảm lương hưu, y tế và quốc phòng... khiến người dân Hy Lạp, vốn quen với cuộc sống “bóc ngắn cắn dài” đình công, mít tinh, biểu tình phản đối chính phủ xảy ra gần như cơm bữa đẩy nền kinh tế Hy Lạp lún sâu thêm vào khủng hoảng.

 

Và như một hệ luỵ, không còn sự lựa chọn nào khác, Chính phủ Hy Lạp lại phải tiếp tục mạnh tay cắt giảm chi tiêu nhằm làm hài lòng các nhà tài trợ quốc tế để đổi lấy những gói cứu trợ mới trị giá hàng trăm tỉ euro giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ phá sản.

 

Sau khi kết quả bầu cử được công bố, lãnh đạo đảng Dân chủ Mới, ông Atonis Samaras, đã khẳng định sẽ tôn trọng các cam kết của Hy Lạp với các biện pháp thắt chặt chi tiêu đi kèm các gói cứu trợ quốc tế giành cho quốc gia này.

 

Vừa tạm yên lòng với kết quả bầu cử Hy Lạp, các nền kinh tế hàng đầu thế giới ngay lập tức kêu gọi Hy Lạp nhanh chóng thành lập chính phủ để sớm thảo luận về các biện pháp cải cách mà nước này cần thực hiện để thoát khỏi khủng hoảng. Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Largarde nhấn mạnh đến sự cấp thiết của việc sớm khởi động các phiên tham vấn ngay trong tuần này về vấn đề này.

 

Trước đó, thủ lĩnh đảng Dân chủ Mới Samaras cũng đề nghị đàm phán lại điều kiện các gói cứu trợ quốc tế dành cho Hy Lạp. Lời kêu gọi này có khả năng sẽ được đáp ứng khi các lãnh đạo của châu Âu đã phát đi tín hiệu sẽ linh hoạt hơn với Athens về những điều khoản trong thỏa thuận vay 130 tỉ euro (165 tỉ USD).

 

Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici cho biết các bộ trưởng tài chính eurozone sẽ nhanh chóng đưa ra tuyên bố về cách tiếp cận đối với tình hình hiện nay ở Hy Lạp. Theo ông, khu vực Eurozone vẫn yêu cầu Hy Lạp can dự để tiếp tục duy trì đồng tiền chung, nhưng cũng "quan tâm tới những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể" của nước này. Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker cho rằng eurozone ghi nhận những nỗ lực đáng kể của người dân Hy Lạp.

 

Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker cho rằng Eurozone ghi nhận những nỗ lực đáng kể của người dân Hy Lạp. Ông cũng nhấn mạnh rằng những cải cách về cơ cấu và tài chính vẫn là đảm bảo quan trọng nhất giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và thách thức xã hội hiện nay.

 

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo rằng sự linh hoạt và nhượng bộ thái quá từ phía Eurozone đối với Hy Lạp sẽ đặt dấu hỏi về uy tín của khu vực đồng tiền chung này, và có thể tạo tiền lệ "khuyến khích" Ireland, Tây Ban Nha cũng lên tiếng đòi hỏi được nới lỏng trong chính sách "thắt lưng, buộc bụng" hiện nay.

 

 

Theo DĐDN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo