Quốc tế

Eurozone: Nguy cơ tê liệt vì “thắt lưng buộc bụng”

Ba viện kinh tế của Pháp, Đức và Đan Mạch mới đây đã công bố báo cáo cùng chỉ trích mạnh mẽ chính sách khắc khổ mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất nhằm cứu Khu vực đồng Euro (Eurozone) thoát khỏi nguy cơ sụp đổ do khủng hoảng nợ.

Theo các đánh giá của Viện quan sát tài chính của Pháp (OFCE), Đức (IMK) và Đan Mạch (ECLM), trong bối cảnh tình hình kinh tế ngày càng đen tối, để vực dậy nền kinh tế đất nước, hầu hết các nước thành viên Eurozone đều áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", giảm chi tiêu công.

Tuy nhiên, những chính sách khắc khổ bằng mọi giá này không những kìm hãm sự tăng trưởng vốn đã "èo uột" của châu Âu, mà tất yếu còn làm gia tăng thất nghiệp, chi tiêu xã hội lệch lạc, giảm tiêu thụ và nguồn thu thuế, dẫn đến kìm hãm khả năng giảm nợ của toàn khối đồng tiền chung.

Để thoát khỏi sự trì trệ, ba viện nghiên cứu đề nghị châu Âu nên xem xét lại "liệu pháp" của EC, cơ quan đã ấn định rằng từ nay đến năm 2032, các nước thành viên trong khối phải đạt mục tiêu giảm nợ công xuống còn 60% GDP.

Theo các viện kinh tế trên, nhất thiết là phải làm trong sạch hóa nền tài chính công, tuy nhiên, tiến trình "trong sạch hóa" sẽ áp dụng tùy theo tình hình kinh tế của từng quốc gia.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố nghiên cứu mới nhất của mình, cho thấy, chính sách hướng đến việc giảm thâm hụt ngân sách đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng hơn suy nghĩ trước đó.

Phát biểu tại một hội nghị ở London (Anh), Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF David Lipton cảnh báo các nhà hoạch định chính sách cần giảm bớt các biện pháp thắt lưng buộc bụng hướng tới cắt giảm nợ nếu chúng tác động tới sự tăng trưởng kinh tế.

IMF thừa nhận đã đánh giá thấp tác động của các chương trình thắt lưng buộc bụng ở châu Âu, nhất là ở các nước thuộc Khu vực Eurozone theo chương trình cứu trợ của IMF-Liên minh châu Âu (EU), như Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Thời gian qua, các cuộc biểu tình nổ ra tại châu Âu cho thấy chính sách cải cách kinh tế của các chính phủ châu Âu đang làm nảy sinh những làn sóng phẫn nộ lớn và các chính sách trên có dấu hiệu “lung lay” sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp cũng như bầu cử Quốc hội tại Hy Lạp vừa qua. Ngay cả Mỹ cũng có những nghi ngờ về hiệu quả của chính sách này cho dù Thủ tướng Đức Merkel vẫn quả quyết đây là một trong những cách tốt nhất để châu Âu thoát khỏi khủng hoảng tài chính.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) còn chỉ trích các biện pháp khắc khổ mà chính phủ các nước châu Âu đang theo đuổi. Trong báo cáo “Lao động thế giới 2012”, ILO cho rằng những biện pháp này không những không giúp giảm thâm hụt ngân sách mà còn phá hoại thị trường lao động trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng cao.

Gần đây nhất, ngày 14/11, công nhân ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Italy đã tiến hành một loạt cuộc bãi công phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ, làm tê liệt nhiều nhà máy và ảnh hưởng tới 700 chuyến bay. Đây là lần đầu tiên công nhân ở cả 4 quốc gia Nam Âu này tham gia bãi công cùng một lúc.

Các nghiệp đoàn châu Âu cho biết tâm trạng tức giận của người dân ở một số nước trong khu vực đã lên đến đỉnh điểm và châu Âu cần những giải pháp khẩn cấp để đưa nền kinh tế phát triển đúng hướng, chứ không phải áp đặt những biện pháp khắc khổ.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo chinhphu.vn)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo