EVN được hạch toán biệt thự, tennis vào giá điện
Liên quan tới xử lý những vấn đề tại kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, ngày 25/8/2014, Chính phủ đã ban hành nghị định về quy chế quản lý tài chính của EVN, có hiệu lực thi hành từ 15/10/2014.
Như vậy, sau hơn 1 năm tranh cãi về xử lý khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành các dự án nguồn điện của EVN đã chính thức được luật hóa.
Theo đó, chi phí khấu hao của nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành và sửa chữa điện, nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Trường hợp nhà ở trực tiếp cho người lao động có thu tiền thuê, thì số tiền thu được hạch toán giảm chi phí sản xuất điện, thông tin trên VnEconomy cho biết.
Chi phí khấu hao của nhà đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng và công trình nhà ở khác mà EVN cho các hộ gia đình cán bộ công nhân viên làm việc tại nhà máy điện thuê sử dụng thì không được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn.
EVN phải xác định đơn giá cho thuê nhà đúng quy định, theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí khấu hao để thu hồi vốn đầu tư và các chi phí dịch vụ quản lý, bảo dưỡng các công trình này. EVN phải hạch toán riêng hoạt động sản xuất kinh doanh này, báo cáo nêu rõ.
Bộ trưởng Vũ Hoàng còn cho biết, hiện đang nghiên cứu để thực hiện theo phương án xử lý khoản chi phí trên tại văn bản ngày 22/5/2014 của Bộ Tài chính.
Báo cáo bổ sung này đang mâu thuẫn với chính EVN, Bộ Tài chính và ngay cả phát ngôn của Bộ Công thương trước đó. Theo đó, trong lần trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề này hồi tháng 4/2014, Bộ trưởng Hoàng đã có công văn trả lời: “không có câu chuyện đưa chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành điện”.
Cũng tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Chi phí khấu hao bể bơi, sân tennis... không được tính vào giá thành điện. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất EVN phải xây dựng quy chế sử dụng nhà khách, nhà ở trong khu nhà quản lý vận hành, quy định rõ điều kiện tiêu chuẩn, định mức”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Ngay cả EVN cũng đã biện minh rằng: các nhà biệt thự, chung cư cao tầng, khu thể thao… chỉ là nhà công vụ, cải thiện sức khỏe cho nhân viên. Chi phí này không đưa vào giá thành điện.
Thua lỗ hàng ngàn tỉ, EVN tăng giá bán điện
Trước đó, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác đầu tư xây dựng nhiều dự án điện phát sinh nhiều chi phí làm đội giá thành điện.
Đáng chú ý, nhiều dự án điện còn phát sinh thêm hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”.
Thực tế, hạng mục này được xây dựng lại là nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis... Tổng diện tích lên tới 355.000 m2, giá trị đầu tư trên 595 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ kết luận: Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó đã được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.
Kết luận thanh tra Chính phủ còn cho biết, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho biết, việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng.
Bất ngờ hơn khi EVN quyết định tăng giá điện kể từ ngày 1/8/2013 giá bán điện bình quân sẽ tăng 71,85 đồng/kwh, tương đương 5% so với giá bán điện bình quân đang áp dụng là 1.437 đồng/kwh.
Giải thích trên truyền hình tối 1/8, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho rằng EVN buộc phải tăng giá do áp lực tăng chi phí đầu vào đối với EVN trong việc sản xuất điện từ nay đến cuối năm và những năm tới là rất lớn.
Lý giải của ông Cường về việc tăng giá còn nói thêm, EVN đang nợ Tổng công ty khí quốc gia một khoản nợ trên 3.000 tỷ đồng do chưa thu xếp được nguồn tiền để trả nên buộc phải quyết định tăng giá điện.
Như vậy, những lo ngại trước đó rằng cứ khi nào doanh nghiệp thua lỗ lại tăng giá bán để bù đắp, chiếu vào kết quả thanh tra thì đã quá rõ ràng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines