EVN không tuyển người năm tới vì khó khăn
Do những khó khăn trong sản xuất kinh doanh điện và bù lỗ cho các năm trước, năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ không tuyển dụng thêm lao động ở tất cả các bộ phận trong tập đoàn.
Thông tin trên được Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất điện năm 2012 của EVN do Bộ Công Thương tổ chức.
Trước đó, trong báo cáo của mình, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay, qua báo cáo của EVN, doanh thu bán điện của tập đoàn trong năm 2012 là 143.893 tỷ đồng, tương ứng với giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.364,31 đồng/ kWh.
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2012 của EVN là hơn 139.000 tỷ đồng. Chi phí này tương ứng với giá thành sản xuất điện năm 2012 là 1.322,55 đồng/kWh, trong đó đã tính giảm trừ các chi phí thanh lý, chuyển nhượng tài sản cố định, cho thuê cột điện…
Trong năm 2012, tổng số lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá bán lẻ điện đến 31/12/2012 là hơn 19.877 tỷ đồng. Trong đó, lỗ lũy kế sả xuất kinh doanh điện là hơn 4.700 tỷ đồng. Lỗ chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán khoảng hơn 15.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu tính riêng về sản xuất kinh doanh điện và đầu tư khác, trong năm 2012, EVN đã lãi khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó lãi kinh doanh, sản xuất điện khoảng 4.404 tỷ đồng, khoảng 2.000 tỷ là lãi khác.
Theo ông Phúc, việc kiểm tra, tính toán giá thành điện của EVN năm 2012 căn cứ vào các tài liệu do EVN tự cung cấp và EVN phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và độ xác thực của thông tin này.
Trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến việc EVN đã hạch toán chi phí xây dựng công trình phúc lợi vào giá điện, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, hiện việc này Thủ tướng đã có kết luận yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, kiểm tra.
Ông Tri cho biết, hiện quy định của nhà nước là các doanh nghiệp được hạch toán các khoản này vào chi phí sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên có mức trần cụ thể. Nếu vượt mức này thì không được tính vào chi phí. Do đó, hiện Bộ Tài chính đang vào cuộc kiểm tra lại, dự kiến sẽ có kết quả và báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2014.
Liên quan đến công tác nhân lực và lương thưởng tại EVN, ông Tri cho biết, hiện chưa hết năm 2013 nên chưa có báo cáo quyết toán cụ thể về lương, thưởng của cán bộ, nhân viên EVN. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, vừa qua, Hội đồng Quản trị EVN đã quyết định trong năm tới, sẽ không tuyển thêm lao động mới vào làm việc tại tập đoàn. Chỉ tiến hành luân chuyển giữa các bộ phận. Nếu có trường hợp đặc biệt, Chủ tịch EVN sẽ quyết định.
Riêng về kết quả kinh doanh năm 2013, mặc dù chưa có báo cáo chính thức, song ông Tri dự kiến, năm nay EVN lãi khoảng 120 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản trích bù lỗ.
Một nội dung quan trọng khác của EVN cũng được Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri chia sẻ, đó là khả năng đi vay vốn của EVN trong thời gian tới “chắc chắn sẽ rất khó khăn”.
Bởi, theo lãnh đạo EVN, hiện tập đoàn này đang đứng ra làm đại diện đi vay vốn cho các tổng công ty trực thuộc để đầu tư. Những công ty này vốn dĩ không vay được vì có số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt 3 lần. Trong khi EVN chỉ khoảng 1,8.
Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục đi vay và cho vay lại, chắc chắn trong thời gian tới, số nợ trên vốn chủ sở hữu của EVN sẽ tăng cao, do đó sẽ khó đáp ứng được điều kiện vay vốn của các tổ chức, ngân hàng.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo