EVN lý giải vì sao không minh bạch giá điện
Mặc dù bản thân EVN cũng muốn minh bạch giá điện nhưng do giá điện có đặc thù riêng, sản xuất và tiêu thụ đồng thời, số lượng hộ tiêu thụ lớn, cao điểm hộ sản xuất giảm tiêu thụ nhưng hộ sinh hoạt lại dùng, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết.
Giá điện sẽ tăng khi đủ điều kiện
Sau nhiều lần đề xuất tăng giá điện với mức tăng 9,5% cuối cùng việc tăng giá điện cũng được thông qua tuy nhiên mức tăng thấp hơn kỳ vọng mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đặt ra.
Để thuyết phục cho việc tăng giá điện, đại diện EVN cũng như Bộ Công thương đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này trong các cuộc họp báo trước đó. Trong đó những lý do được đề cập đến khẳng định đã đến lúc tăng giá điện là giá điện Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới, giá điện Việt Nam thấp không thu hút được đầu tư nước ngoài…
Thậm chí, trong nỗ lực thuyết phục tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải từng nói “không tăng giá điện EVN sẽ phá sản”, “giá điện tăng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều được lợi”.
Đáp lại, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều không hài lòng với cách đại diện Bộ Công thương đã làm khi đề cập đến vấn đề tăng giá điện.
“Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố, mặc cả như không tăng giá thì EVN phá sản và sụp đổ ngành điện. Nếu theo thuyết phá sản sáng tạo thì EVN phá sản thậm chí ngành điện mới phát triển...", TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết trong hội thảo diễn ra vào ngày 11/2.
Theo một chuyên gia kinh tế, vấn đề tăng giá điện sẽ không khiến dư luận bức xúc, điều quan trọng là cách mà EVN cũng như Bộ Công thương thuyết phục để tăng giá điện.
Cũng theo vị này, người tiêu dùng sẽ chấp nhận chi thêm tiền cho việc dùng điện nhưng EVN phải minh bạch được lý sao vì sao tăng giá.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm qua (6/3), đề cập đến vấn đề minh bạch giá điện, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, minh bạch ai cũng muốn, bản thân EVN cũng muốn nhưng điện có đặc thù sản xuất tiêu thụ đồng thời.
Số lượng hộ tiêu thụ lớn 22 triệu khách hàng từ hộ gia đình đến nhà máy tiêu thụ có đặc thù riêng. Trong giờ cao điểm hộ sản xuất có thể giảm tiêu thụ nhưng hộ sinh hoạt lại dùng vào giờ cao điểm.
Đồng thời, ông Tri cũng cho biết, EVN không thể tính toán được tác động giá điện tăng cho từng hộ tiêu thụ song hộ dùng nhiều điện cơ cấu giá thành sẽ tăng cao hơn 0,06-0,6%.
Ngoài ra, cũng theo ông Tri, thời gian tới đây, hàng tháng EVN sẽ tính toán, nếu đủ điều kiện tăng sẽ trình Bộ Công thương điều chỉnh.
Giá điện vẫn không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Đến thời điểm này nhiều người vẫn hiểu, một trong những lý do tăng giá điện do giá điện của Việt Nam đang quá thấp không thu hút được các thành phần khác đầu tư đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương trong trao đổi với BizLIVE đã đồng tình với quan điểm trên song ông cũng lưu ý, khi EVN còn độc quyền mạng truyền tải điện EVN có quyền mặc cả, định giá mua điện sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Với lần tăng giá điện ngày 16/3 tới đây với mức tăng 7,5%, Phó tổng giám đốc EVN cũng cho biết, sau khi tăng, giá điện 1.622 đồng/KWh vẫn thấp và không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi nhà đầu tư trong nước đang trong tình trạng không đủ nguồn lực để đầu tư vào ngành điện.
Theo Bizlive
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Cột tin quảng cáo