Xã hội

EVN mua điện Trung Quốc:Cục Quản lý cạnh tranh cần làm rõ

“Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua điện của thủy điện nhỏ trong nước giá bèo và không công bằng có nghe phản ánh. Tôi cho rằng vấn đề này cơ quan quản lý cạnh tranh nên làm rõ. Còn nếu không thì EVN sẽ có 1.000 lý do để biện bạch, ví dụ trên mạn này không có đường dây, công suất kém, không đảm bảo… Khi đó sẽ rất phức tạp mà không có trọng tài thì sẽ là ông nói gà bà nói vịt”.

TS Lê Đăng Doanh đã nói như vậy khi lần đầu tiên EVN công bố số liệu về tình hình cắt điện và tiết lộ khu vực dùng điện mua từ Trung Quốc có chất lượng điện áp không ổn định. Trong khi đó EVN vẫn tiếp tục mua điện của Trung Quốc với giá cao hơn giá điện sản xuất trong nước.

Mua giá cao mà không ổn định là thiệt thòi và bất lợi
 
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc EVN mua điện của Trung Quốc là sản phẩm của một thời kỳ chúng ta thiếu điện nghiêm trọng nên phải mua của nước ngoài.
 
“Họ bán cho ta là giá quốc tế, tức là tương đương với giá trong khu vực nên khó mà có thể đòi hỏi EVN mua được giá như trong nước hiện nay mà theo EVN và Bộ Công thương thì giá đó là dưới giá thành. Tôi nghĩ việc mua của Trung Quốc cao hơn giá trong nước là bất đắc dĩ”, TS Doanh nhìn nhận.
 
Tuy nhiên, ông Doanh cũng cho rằng ông từng nghe các nhà sản xuất điện trong nước phản ánh tình trạng về mối quan hệ giữa bên bán là chủ đầu tư thủy điện nhỏ và bên mua EVN luôn tồn tại sự bất công.
 
Bên bán muốn được sống chỉ còn cách duy nhất là “cam chịu” bán cho EVN bằng mọi giá, tức là phải bán giá rẻ, trong khi  EVN vẫn phải mua điện Trung Quốc với giá cao và có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
 
Không bình luận về điều này bởi TS Doanh cho rằng, EVN sẽ có 1.000 lý do để biện bạch cho hành động này, kiểu như: trên mạn này không có đường dây, công suất kém, không đảm bảo… “sẽ rất phức tạp mà không có trọng tài thì sẽ là ông nói gà bà nói vịt”, TS Doanh cho biết.
 
Do vậy ông cho rằng, cách tốt nhất là Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương nên vào cuộc. Ông cũng đề xuất EVN nên phát huy tối đa công suất của các nhà máy trong nước bởi đã bỏ tiền đầu tư rồi thì nay phải bán điện để thu vốn nếu không tiền đầu tư sẽ không được khấu hao đền bù và sẽ rất bất lợi cho hệ thống điện.
 
“Nên sớm sản xuất đủ điện, vì chất lượng không ổn định sẽ không chỉ là thiệt thòi và bất lợi cho an toàn hệ thống điện, tính độc lập của hệ thống điện của Việt Nam. Và một hệ lụy nữa, khi các doanh nghiệp bị thua lỗ thì cuối cùng cũng đến người dân phải gánh chịu vào giá điện chứ không phải ai khác”, TS Doanh lo ngại.
 
EVN sẽ có đủ lý do cho việc vì sao mua điện Trung Quốc không ổn định chất lượng mà giá vẫn cao
 
Cần có luật chống độc quyền
 
Việc mua điện trong nước giá thấp, mua ở nước ngoài giá cao cùng với việc tăng giá bán điện bình quân so với kế hoạch, EVN đã lãi 172.470 tỷ đồng trong năm 2013, tăng gần 20% so với 2012.
 
Trong năm 2014 này, EVN đặt mục tiêu "toàn tập đoàn sản xuất và kinh doanh điện năng có lợi nhuận".
 
Theo đó, điện sản xuất và mua dự kiến sẽ tăng 9,9%, sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn, điện thương phẩm tăng 10% và tỷ lệ tổn thất điện giảm xuống còn 8,45%.
 
Dù nói rằng điện mua của Trung Quốc không ổn định, song con số lại tố cáo EVN rằng điện sản xuất chỉ ở mức 56.449 tỷ kWh còn điện mua lên tới 71.392 tỷ kWh (chiếm 56%).
 
Cùng với đó, kế hoạch tăng giá cũng được đặt ra. Minh chứng là mới đây Thủ tướng đã phê duyệt khung giá bán lẻ điện năm 2013-2015, với giá từ 1.347 đồng/kWh đến 1.835 đồng/kWh. Điều này có nghĩa, tới năm 2015, giá điện có thể tăng tới 21,6%, trung bình mỗi năm sẽ tăng hơn 10% giá điện.
 
Việc đưa giá điện theo sát giá thị trường là điều buộc phải chấp nhận, song TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Sự cần thiết của việc tăng giá điện cần được giải thích một rõ ràng, để mọi người dân đều biết và ủng hộ. Phải minh bạch trong việc tính giá”, TS Doanh nói.
 
Còn TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thì cho rằng: “Việc tính giá điện theo giá thị trường là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, muốn có giá thị trường thì phải có thị trường cạnh tranh”.
 
Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy đối với điện thì người tiêu dùng đang bị buộc phải chấp nhận giá ngành điện đưa ra mà không có lựa chọn nào khả dĩ hơn.
 
Vì vậy giới chuyên môn cho rằng, để vừa có lợi cho nhà nước, công bằng cho người tiêu dùng mà doanh nghiệp vẫn có lãi thì phải làm sao quản lý việc sử dụng vị thế độc quyền của lĩnh vực đó.
 
Tức là trong trường hợp này Quốc hội cần ra một luật chống độc quyền. Có các điều khoản chặt chẽ như thế nào là độc quyền, như thế nào anh biến từ công ty nhỏ thành công ty lớn, biến thành độc quyền. Phải chẻ nhỏ ra, để người tiêu dùng khỏi bị một anh độc quyền khống chế giá.
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo