EVN ‘qua mặt’ Bộ Công Thương thế nào?
Nhiều lần, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kêu oan khi bị gọi là “độc quyền” vì hiện EVN nắm giữ chỉ hơn 50% nguồn điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài vấn đề chi phối nguồn điện thì tập đoàn này còn được quyền quyết giá điện trong phạm vi cho phép và được đề xuất tăng giá khi vượt quá khung tự quyết.
Trong kết cấu giá bán điện, có 4 khâu là phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành. Kết quả xác minh của cơ quan thanh tra vừa công bố đã cho thấy, EVN được tự quyết định giá bán buôn điện, tự đàm phán để xác định giá phát điện và chủ trì các phương án tăng giá bán lẻ điện.
Cụ thể, theo Luật Điện lực, Bộ Công Thương phải ban hành các khung giá đối với giá phát điện và giá bán buôn điện làm cơ sở cho EVN quyết định giá mua bán điện với các đơn vị. Nhưng đến tận tháng 7//2012 - thời điểm thanh tra, Bộ vẫn chưa ra được văn bản.
Thậm chí, báo cáo tới Thanh tra, Bộ này còn cho rằng: “Việc cho phép EVN căn cứ vào các thông số cho tính toán giá điện để xác định giá bán buôn điện cho các tổng công ty điện lực trong thời điểm hiện tại là phù hợp với tình hình thực tế”.
Trên thực tế, các khung giá này có thể gọi là mức trần buộc EVN cần công bằng, minh bạch khi quyết định giá mua bán điện. Đây cũng là cơ sở để đi đến giá bán lẻ điện phù hợp hơn.
Chưa hết, năm 2011, EVN còn tự nâng cao giá bán buôn điện cho các tổng công ty điện lực cao hơn cả mức giá mà Bộ Công Thương quy định. Chi phí truyền tải cũng được hạ thấp xuống tới 12,57 đồng/kWh so với mức giá Bộ đã phê duyệt.
Thế nhưng, khi EVN có báo cáo giải trình, thanh tra Chính phủ cho biết: “Bộ Công Thương lại không có ý kiến trả lời về tính chính xác, hợp lý của mức giá do EVN áp dụng. Đây là việc thiếu trách nhiệm của Bộ, dẫn đến chưa đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch về giá bán buôn điện, chi phí truyền tải điện giữa EVN và các đơn vị thành viên”.
Cũng kể từ khi có Quyết định 24 của Thủ tướng về cơ chế giá điện theo thị trường, Bộ Công Thương thẩm định các đề án giá điện hàng năm của EVN. Và 100% các đề án này đều được duyệt với mức giá tăng 5%.
Trong khi đó, liên quan đến việc xây dựng các biệt thự, sân thể thao tại 6 dự án điện, Thanh tra Chính phủ cho rằng: “Toàn bộ chi phí xây dựng được Bộ Công Thương, EVN xác định trong khoản mục ‘Khu nhà quản lý vận hành và sữa chữa’, nằm trong tổng mức đầu tư của dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định”.
Dù sau khi có kết quả thanh tra, EVN phân trần rằng các khoản này được đầu tư bằng vốn khấu hao và sẽ hoàn trả lại khi kinh doanh dịch vụ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Vốn Nhà nước là vốn của toàn dân. Bộ Công Thương thay mặt dân, quản lý vốn tại EVN mà để xảy ra sai phạm, Bộ cũng phải chịu trách nhiệm!”.
Giá điện: Chờ sự minh bạch
Yêu cầu minh bạch giá điện đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng dường như chưa bao giờ đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Chỉ xét trong việc công bố tăng giá, Bộ Công Thương đã từng chủ trương tổ chức họp báo công bố giá thành điện, nhưng rồi, việc này chỉ diễn ra đúng 2 lần. Đó là vào cuối các năm 2010, 2011, trước thời điểm tăng giá điện.
Đợt tăng giá điện mới nhất, hôm 1/8, không có một cuộc họp công bố giá thành điện năm 2012 như trước. Vài ngày sau, 5/8, chủ trì họp báo thường kỳ của Bộ, đáp lại sự mong mỏi của báo giới, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa từ chối dứt khoát: “Vừa rồi có rất nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề tăng giá điện và việc ảnh hưởng của vấn đề tăng giá điện đối với các hộ sản xuất, sinh hoạt. Chúng tôi cũng xin được phép, không trả lời nữa”.
Dù trước đó một ngày, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời trên chương trình của VTV đã tỏ ra trăn trở, day dứt: "Cứ mỗi lần đặt vấn đề điều chỉnh giá điện, chúng tôi có tâm trạng rất khó tả".
Đến nay, đã 2 tháng trôi qua kể từ khi tăng giá điện, việc công bố giá thành điện dường như đã bị lờ đi.
Trong khi đó, trở lại 2 năm trước, Bộ Công Thương từng công bố chi tiết giá thành điện năm 2010-2011. Được biết, đã có một Tổ kiểm tra giá điện được Bộ này thành lập, có cả đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng nhưng việc kiểm tra chỉ dừng lại ở mức đọc, xem báo cáo với các con số ngắn gọn do EVN và Bộ chuẩn bị. Vì thế, câu hỏi giá thành điện tăng vì lý do gì không được giải đáp thỏa đáng.
Bà Phạm Chi Lan nghi vấn: “Nếu là cơ quan đại diện giám sát vốn chủ sở hữu Nhà nước tại Tập đoàn mà không biết tiền mình bỏ ra đã được đầu tư như thế nào, thành tài sản gì, phải chờ qua thanh tra mới nắm được thì... giám sát có đáng tin cậy?”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp