Eximbank áp lãi suất cho vay VND không tưởng
Từ tuần này, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bắt đầu triển khai chương trình cho vay VND lãi suất ưu đãi tham chiếu theo tỷ giá USD/VND.
Lãi suất cho vay theo chương trình này chỉ 7%/năm, áp dụng cho tất cả các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với thời hạn vay từ nay đến cuối năm.
Cụ thể, để tiếp cận lãi suất trên, khách hàng phải có một thỏa thuận đi kèm liên quan đến biến động của tỷ giá USD/VND. Bên cạnh mức lãi suất 7%/năm, khách hàng phải cam kết bù đắp cho chênh lệch của tỷ giá USD/VND trong kỳ (từ nay đến cuối năm) tối đa là 3%; nếu tỷ giá tăng trên 3%, Eximbank sẽ chịu thay khách hàng phần vượt trên 3% đó.
Giả sử, khách hàng vay 2.097.000.000 VND lúc này, ứng với 100.000 USD tỷ giá quy đổi là 20.970 VND; đến kỳ đáo hạn 31/12/2012, dù tỷ giá tăng lên 22.000 VND, nợ gốc của khách hàng tối đa sẽ là 2.159.900.000 VND theo giới hạn 3% thỏa thuận với lãi suất là 7%/năm.
Như vậy, rủi ro đối với người vay vốn là biến động của tỷ giá USD/VND. Chi phí phát sinh bên cạnh lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2012 nếu xẩy ra tối đa là 3% trên dư nợ. Nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, người vay được hưởng trọn vẹn mức lãi suất chỉ 7%/năm, thay vì các mức phổ biến 12% - 15%/năm hiện nay...
Vấn đề là ở khả năng rủi ro tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng, và hiện vẫn giữ vững, là biến động trong năm nay chỉ ở khoảng 2% - 3%.
Hiện tỷ giá USD/VND đang ổn định; các cán cân thanh toán, cán cân tổng thể đã cân bằng, thậm chí thặng dư và được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước dự báo sẽ tiếp tục thặng dư trong thời gian tới; dự trữ ngoại hối liên tục tăng nhanh trong thời gian qua để tạo nguồn lực cần thiết can thiệp thị trường nếu có biến động. Theo đó, rủi ro tỷ giá USD/VND đối với người vay trong chương trình trên của Eximbank là có thể lường tính được.
Trường hợp các khoản vay có kỳ hạn ngắn hơn 6 tháng thì có thể càng giảm thiểu được rủi ro của tỷ giá.
“Việc bảo hiểm tỷ giá như vậy là để tạo niềm tin cho người vay mạnh dạn vay VND, khống chế được rủi ro tối đa trong khi mức lãi suất 7%/năm là một mức thấp thực tế. Điều này cũng giúp họ kiểm soát được chi phí vay vốn, giảm thiểu được chi phí vay vốn”, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank giải thích.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Eximbank lại có thể cho vay với lãi suất chỉ 7%/năm, trong khi huy động đang là 9% - 11%/năm? Eximbank lấy đâu nguồn vốn để cho vay như vậy, nó hữu hạn trong khi nhu cầu vay của khách hàng là rất lớn?
Ông Phước lý giải rằng, để triển khai chương trình này ngân hàng phải có nguồn ngoại tệ mạnh để chuyển đổi. Eximbank có nguồn ngoại tệ dồi dào, có lợi thế nguồn vốn ngoại tệ qua quan hệ đại lý với hơn 700 ngân hàng trên thế giới; tranh thủ nguồn ngoại tệ đó chuyển đổi sang VND để cho vay với lãi suất trên.
Việc chuyển đổi trên được thực hiện theo quy định trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại hiện nay, được phép ở +/-20% vốn tự có.
“Chúng tôi sẽ sử dụng tối đa khả năng của mình để chuyển đổi và cho vay như vậy. Đúng là năng lực cấp tín dụng hạn chế, trong khi nhu cầu vay lãi suất thấp là rất lớn. Nhưng chúng tôi muốn đưa ra một tín hiệu.
Nếu ý tưởng của chương trình này được nhân rộng trong hệ thống với bối cảnh tỷ giá USD/VND ổn định, thì sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn tiết giảm chi phí, qua đó tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế”, ông Phước nói.
Thực tế thời gian qua các ngân hàng vẫn gửi ngoại tệ ở nước ngoài nhiều với lãi suất chỉ 0,25% - 0,5%/năm, nếu rút bớt về và chuyển đổi sang VND cho vay lãi suất thấp sẽ hỗ trợ được phần nào nhu cầu trong nước.
Theo giới thiệu, chương trình trên được áp cho cả cá nhân và doanh nghiệp vay vốn. Tất nhiên khách hàng phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định hiện hành. Cùng hạng mức tín nhiệm theo đánh giá của ngân hàng, lượng vốn sẽ giải ngân hàng cho các khách hàng đến trước. Mặt khác, nguồn lực của Eximbank là có hạn, sẽ có trường hợp vay được, trường hợp không… Và thực tế giải ngân hàng thế nào cũng cần kiểm chứng sau thời gian thực hiện.
Ông Trương Văn Phước cũng nói thêm rằng: “Với lãi suất như vậy, với tỷ giá ổn định thì có thể xem đây là một đóng góp nhỏ bé của Eximbank với thị trường. Dù nhỏ bé, nhưng tôi cho rằng nó có ý nghĩa lớn về ý tưởng, bởi có thể nhân rộng trong hệ thống và tạo được nguồn lực tổng hợp.
Sau bao nhiêu năm nền kinh tế chịu lãi suất cao như vậy, bấy nay vẫn khó khăn và lúng túng khi tìm cách giảm lãi suất, thì có thể xem đó là một cách làm, một gợi ý. Có thể giải pháp này chưa hoàn hảo, chưa tối ưu nhưng là một nỗ lực để có thể giảm được chi phí cho người vay vốn lúc này”.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo