Thị trường

Eximbank và Nam Á về một nhà?

Đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được bất cứ kiến nghị hay đề xuất nào của hai ngân hàng Eximbank và Nam Á về việc sáp nhập.

Theo dự kiến, ngày 17-4 tới đây Ngân hàng (NH) Nam Á (Nam A Bank) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Sau đó, ngày 24-4 Eximbank cũng tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Gần đến ngày đại hội cổ đông thường niên năm 2015, thông tin sáp nhập giữa hai NH với nhau càng được dư luận quan tâm.

 

Trả lời trên báo chí, ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, cho biết hiện Nam A Bank có khoảng 2-3 sự lựa chọn và sẽ tìm ra một NH đồng thuận tương thích nhất để sáp nhập. “Chúng tôi sẽ xin cổ đông cho phép lựa chọn, nếu cần thiết có thể họp cổ đông bất thường rồi trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN)” - ông Tâm nói.

 

Không trả lời về những đồn đoán này nhưng ông Trần Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc thường trực Eximbank, cho rằng việc sáp nhập vào NH nào còn dựa vào hai yếu tố là sự tự nguyện của các cổ đông và phải được sự đồng ý của NHNN.

 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho hay đến thời điểm này NHNN chưa nhận được bất cứ thông tin, kiến nghị gì từ hai NH này về việc sáp nhập.

 

Khi sáp nhập, các ngân hàng sẽ vững vàng, lớn mạnh hơn.

 

NHNN chưa thấy kiến nghị sáp nhập

 

. Phóng viên: Mới đây, hơn 100 triệu cổ phiếu của Eximbank vừa được chuyển nhượng sang chủ mới… Thông tin này càng tạo cho thị trường niềm tin rằng Eximbank sắp sáp nhập với một NH mới mà thị trường cho rằng đó là Nam A Bank?

 

+ Ông Nguyễn Hoàng Minh: Cả hai NH này đều không thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc của NHNN nên mỗi NH đều có đề án tái cơ cấu riêng. Mặc dù những tin đồn đoán trên thị trường là có nhưng bản thân NHNN chưa nhận được tờ trình, kiến nghị hay đề xuất nào của hai NH này về việc sáp nhập với nhau cả. Việc sáp nhập là quyền của hai NH. Tuy nhiên, nếu thực tế hai NH này sáp nhập thì NHNN sẽ ủng hộ chủ trương trên nguyên tắc tự nguyện, sáp nhập để khắc phục những hạn chế tồn tại, đảm bảo sau khi sáp nhập vững vàng, lớn mạnh hơn.

 

. Vậy những vấn đề cổ phần, cổ phiếu mua bán của Eximbank thời gian qua thì thế nào, thưa ông?

 

+ NHNN không tham gia vào việc mua bán cổ phần, cổ phiếu của các NH trên lĩnh vực chứng khoán của những đơn vị này. Nhưng NHNN quản lý việc nắm giữ cổ phần, cổ phiếu của cá nhân, tổ chức sao cho không được vượt quá tỉ lệ quy định. Thứ hai, nếu cá nhân hay tổ chức vay để mua cổ phần, cổ phiếu thì hồ sơ phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

 

Cụ thể là hồ sơ vay phải có đầy đủ tên tuổi, tài sản thế chấp và ghi rõ mục đích sử dụng là mua cổ phiếu. Đặc biệt việc hồ sơ vay phải đảm bảo đúng quy định. Thí dụ như mua cổ phiếu Eximbank thì Eximbank không được cho vay. NHNN sẽ can thiệp và xử lý nếu có các tình trạng trên. Còn các vấn đề khác, về nguyên tắc NHNN không tham gia.

 

Sẽ không còn ngân hàng yếu kém

 

. Như vậy ngay cả với những NH không thuộc diện tái cơ cấu, phải sáp nhập… nếu muốn sáp nhập phải báo lên NHNN?

 

+ Đúng vậy, dù là trên nguyên tắc tự nguyện vẫn phải báo cáo lên NHNN.

 

. Năm 2015 sẽ có sáu thương vụ sáp nhập, hợp nhất NH. Đây là công bố của NHNN về công tác tái cơ cấu ngành NH trong năm 2015. Vậy TP.HCM triển khai vấn đề này như thế nào, thưa ông?

 

+ Năm 2015, NHNN kiên quyết xử lý NH yếu kém theo Đề án tái cơ cấu 254 để đảm bảo cuối năm nay sẽ không còn NH yếu kém.

 

Riêng TP.HCM vấn đề tái cơ cấu ngành NH sẽ được tập trung tốt hai nội dung quan trọng: Thứ nhất là đảm bảo bộ máy mới của VNCB (NH TMCP Xây dựng) hoạt động có hiệu quả; thứ hai sáp nhập NH Phương Nam và Sacombank đảm bảo đúng lộ trình, đề án theo kế hoạch mà NHNN đã duyệt.

 

. Xin cảm ơn ông.

Theo pháp luật Tp.HCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo