Pháp luật

FDI chuyển giá: Xử một doanh nghiệp cũng khó

Một con chip nhập khẩu ta bảo có giá 10USD thôi, nhưng FDI bảo giá 12USD, có hóa đơn đầy đủ, rồi hỏi ta có cơ sở gì để bảo giá 10USD , ông Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài than phiền chuyện FDI chuyển giá. Ông nhấn mạnh: Chúng tôi cực kỳ bức xúc nhưng xử lý không hề đơn giản .

Chưa bao giờ, bức tranh về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam lại ảm đạm đến thế. Dòng vốn mới của FDI vào Việt Nam đổ dốc liền tục, khi 2 tháng đầu năm, kết quả thu hút được chưa đạt một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.  Xem lại tình hình FDI tháng 2/2011, kết quả gặt hái được cũng giảm tới 32% so với cùng kỳ năm trước nữa.

 

Nhưng điều nhức nhối nhất hiện nay không phải là những con số ký trên giấy sụt giảm đó, cũng không phải là tỷ lệ giải ngân, mà là hiện tượng thua lỗ ngày càng phổ biến đến mức khó hiểu của giới FDI!

 

Những con số thua lỗ đáng giật mình

 

Hiện tượng này thật không đúng với những gì mà Việt Nam đã mang đến cho các đầu tư FDI: nhân công rẻ, nhiều ưu đãi về  miễn giảm thuế, điều kiện xuất khẩu thuận lợi, dân số trẻ và đông... Chính các tổ chức quốc tế cũng luôn đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong TOP 3 ở khu vực châu Á.

 

Nghiên cứu về thực hư hiệu quả làm ăn tại Việt Nam của cộng đồng FDI đã có nhiều. Các cuộc khảo sát doanh nghiệp FDI của Bộ Kế hoạch và đầu tư một số năm gần đây đều cho thấy, các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ hàng năm chiếm tỷ lệ trung bình tới trên 70%. Một số doanh nghiệp FDI có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cũng không đáng kể. Tỷ lệ đóng góp cho ngân sách quốc gia của khối này, không kể dầu thô là khá thấp, chỉ dao động quanh  9-10% tổng thu ngân sách quốc gia.

 

Kết quả khảo sát trên cũng khớp với các số liệu thanh kiểm tra từ cơ quan thuế. Đáng chú ý nhất là kết quả thanh tra thuế đối với 88 doanh nghiệp FDI trong ba năm liên tiếp 2007-  2009 trên cả nước được công bố hồi năm 2011, có tới 90% số này báo lỗ.

 

Theo Tổng Cục thuế, tính tới năm 2009, tỷ lệ DN FDI lỗ liên tục ba năm lên tới 56%. Phần đóng góp của các doanh nghiệp FDI giảm tới 11,2% so với kế hoạch trong khi khu vực tư nhân trong nước chỉ giảm 4,4%, còn doanh nghiệp Nhà nước tăng 6,2%.

 

Thậm chí, ngay tại trung tâm vốn hưng thịnh nhất cả nước về kinh tế như TP Hồ Chí Minh, cũng có tỷ lệ gần 60% doanh nghiệp FDI lỗ hàng năm. Tại tỉnh Bình Dương, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI lỗ trong cả giai đoạn 5 năm 2006-2010, riêng năm 2010, có tới 200 công ty FDI bị âm cả vào vốn chủ sở hữu.Tại Đồng Nai, tỷ lệ lỗ này cũng quá bán, tới 52,2%.

 

Điều trái ngược là, các doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ hầu hết là làm ăn trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tưởng như phải rất hấp dẫn về lợi nhuận như may mặc, da giày, chè, công nghiệp chế biến.

 

Tổng Cục thuế cũng chỉ ra những dấu hiệu khác thường về kết quả kinh doanh này. Đơn cử như ở lĩnh vực may mặc, trong khi hầu hết các doanh nghiệp ngành này trên cả nước đều phát đạt, làm ăn có lãi thì riêng ở Tp Hồ Chí Minh, lại có 90% doanh nghiệp FDI kêu lỗ. Và dù có lợi nhuận âm song số các doanh nghiệp này vẫn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất như bình thường.

 

Trước bức tranh này, Tổng cục thuế đã thừa nhận, hoạt động chuyển giá đang ngày càng phổ biến, tinh vi và đa dạng, trở thành một thách thức lớn cho ngành thuế Việt Nam.

 

Tuy vậy, phải tới năm 2010, vấn đề chuyển giá này mới bắt đầu được chú trọng bằng các cuộc thanh kiểm tra dồn dập. Năm 2011, thanh tra 921 doanh nghiệp FDI lỗ, cơ quan thuế cũng đã giảm lỗ được 6.617 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm trước, truy thu thuế và phạt 1.669 tỷ đồng, gấp bốn lần so với năm trước. Đây là con số quá khiêm tốn so với hàng trăm doanh nghiệp đã trốn thuế hàng năm, hưởng thụ nhiều ưu đãi của Chính phủ Việt Nam để rồi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

 

Khó bắt lỗi FDI chuyển giá

 

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: "Hiện, có hơn 13.500 doanh nghiệp FDI mà hơn một nửa là lỗ và nợ thuế. Chúng tôi vào tiếp cận một doanh nghiệp thôi thì thấy vô cùng khó khăn".

 

Ông Đỗ Nhất  Hoàng (ảnh: Phạm Huyền)

"Bộ Tài chính và cơ quan liên quan đã họp rất nhiều lần về vấn đề này, rồi lập ra đề cương, kế hoạch hành động nhưng khi tiếp cận vấn đề thực tế thì thấy không hề đơn giản", ông Hoàng giãi bày.

 

 

Theo vị Cục trưởng, chuyển giá của FDI giống như chuyện mà ai cũng biết, cũng thấy, cũng rõ như ban ngày, nhưng với quân số, kỹ năng, kinh nghiệm của cán bộ rồi khung pháp lý Việt Nam  hiện nay, xem ra lại là bài toán hóc búa, lực bất tòng tâm.

 

Ông nói: "Khi nhận định một doanh nghiệp cụ thể, ta đoán là đúng có chuyển giá thật nhưng muốn kết tội, phải có bằng chứng cụ thể. Tìm được bằng chứng lại là việc không đơn giản. Vì thứ nhất, khi có hành vi gian lận thì họ rất tinh vi, còn ta thì thiếu nhiều thứ".

 

"Ví dụ, chúng ta không có bộ cơ sở dữ liệu về giá cả nguyên liệu, vật liệu để nói họ trốn thuế. Chúng ta quy định là phải có hóa đơn cho mọi giao dịch xuất nhập nguyên vật liệu thì họ đều xuất trình hóa đơn đầy đủ cả. Một con chip chúng ta bảo chỉ có giá 10 USD, nhưng họ nói họ mua giá 12 USD và có chứng từ hóa đơn rõ ràng. Nếu ta khăng khăng bảo nó chỉ có giá 10 USD thôi, họ sẽ hỏi lại là căn cứ vào đâu mà ta bảo là 10 USD. Hỏi cơ quan bên nước ngoài, họ cũng thường có xu hướng bảo vệ doanh nghiệp của họ, thì rồi, ta lại cũng sẽ nhận được câu trả lời là giá 12 USD", ông Hoàng dẫn chứng.

 

Cũng theo tâm sự của người đứng đầu cơ quan quản lý FDI này, ngay cả những cơ quan chuyên môn có nghiệp vụ như thuế cũng còn phải thừa nhận là vấn đề rất khó, không đơn giản.

 

Kết luận về chuyện này, "FDI chuyển giá, tôi tin là có nhưng mình phải có chứng cứ cụ thể. Điều số một là chúng tôi quan tâm đến môi trường đầu tư. Việc đưa ra mặt trái của FDI là để lành mạnh hóa môi trường đầu tư, nhưng nếu chúng ta chưa đủ bằng chứng công bố thông tin thì có thể lại sẽ tác dụng ngược lại."

 

Cũng vì độ phức tạp của vấn đề, mặc dù Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã trình Chính phủ đề án hoàn thiện về chống chuyển giá FDI từ vài tuần trước song Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, chuyển trách nhiệm này sang Bộ Tài chính làm chủ trì.

 

Vấn đề ở chỗ, số trường hợp FDI bị phanh phui trên công luận về chuyển giá vẫn còn rất ít nếu chưa nói là quá mờ nhạt, không đủ sức răn đe. Các kết quả thanh tra thường chỉ dám công bố con số mà chưa dám tiết lộ danh tính cụ thể!

 

Theo VietnamNet

 

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo