FDI khiến Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Hàn Quốc
Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2017 vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) công bố đã nổi lên một điều chưa từng có tiền lệ. Đó là, quý II năm nay ghi nhận việc nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng mạnh, khiến thâm hụt thương mại với nước này đã vượt qua thâm hụt thương mại với Trung Quốc, theo tin tức trên báo Đầu tư.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 16,8% và đạt 27,1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đạt lần lượt 6,6 tỷ USD và 13 tỷ USD, tăng tương ứng 29,1% và 42,5%.
Tính chung, thâm hụt thương mại Việt Nam - Hàn Quốc ở mức khoảng 16 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỷ USD với Trung Quốc.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP, bản chất của việc thâm hụt thương mại với hai đối tác lớn nhất này là khác nhau. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hàng hóa phục vụ tiêu dùng ở tất cả các lĩnh vực, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc chủ yếu là tư liệu sản xuất.
Theo Báo cáo của VERP, các chỉ báo cho thấy, kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, thì con số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017.
Theo Hải quan Việt Nam, mức nhập khẩu đã tăng hơn 7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 1,4 tỷ USD, điều này khiến cho nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng từ 10 tỷ USD 6 tháng đầu năm 2016 lên 16 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017, báo Dân trí đưa tin.
Về giá trị và hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam, theo con số thông kê của Hải quan, hàng Việt Nam nhập khẩu có giá trị cao từ Hàn Quốc là máy móc, thiết bị điện tử, linh kiện điện thoại, phụ tùng và vải nguyên liệu... Đây là những sản phẩm không khác biệt so với những hàng hoá mà Việt Nam từng nhập khẩu từ Trung Quốc thời gian qua.
Theo nhận định của Hải quan, nhập khẩu và nhập siêu Hàn Quốc gia tăng không có gì khác biệt về chất lượng hàng hoá nhập khẩu, chủ yếu chỉ là hoạt động chuyển đổi nhập khẩu các hàng hoá từ Trung Quốc sang Hàn Quốc. Điều này minh chứng việc chuyển đổi đối tác nhập khẩu của Việt Nam không thay đổi về chất, vẫn là nhập khẩu các linh kiện cho sản xuất trong nước, xuất khẩu, trong khi khu vực doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu.
Lý giải về hiện tượng gia tăng nhập siêu từ Hàn Quốc, tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2017 mới đây, Bộ Công Thương khẳng định: Lượng và giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc có liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam như: Samsung, LG và nhiều công ty con khác.
Hai tổ hợp nhà máy lắp ráp điện thoại lớn của Samsung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, nhà máy của LG tại Hải Phòng đã và đang chuyển hướng nhập khẩu nhiều linh phụ kiện điện thoại, máy móc từ Hàn Quốc thay vì Trung Quốc như trước kia.
Nguyên nhân là bởi FTA Việt Nam và Hàn Quốc đã có hiệu lực, mức thuế đối với hàng hoá nhập khẩu dạng linh kiện, nguyên liệu từ Hàn Quốc sang Việt Nam được hưởng ưu đãi 0% từ năm 2017, trong khi đó nhập từ Trung Quốc vẫn chịu mức thuế nhập khẩu thông thường hoặc ưu đãi thuế quan chung ASEAN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động