Thị trường

FDI sẽ chảy mạnh vào các KCN

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nhiều địa phương phía Nam có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2014 với việc TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đều nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư. Có cầu ắt sẽ có cung, các dự án đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp (KCN) đã có những khởi sắc, nên kỳ vọng năm nay, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào đây.

Dòng vốn FDI kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy mạnh vào các KCN ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Theo khảo sát mới nhất của Công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam (C&W Việt Nam), các KCN tại TP.HCM có hoạt động tốt trong quý IV/2014, với tỷ lệ lấp đầy tăng gần 3 điểm phần trăm so với quý trước đó và tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2013.

 
“Hiện nay, các chủ đầu tư có xu hướng chuyển từ cho thuê dài hạn đất công nghiệp sang xây dựng nhà xưởng cho thuê với diện tích 2.000 - 3.000 m2, giá chào thuê 2,5- 3,5 USD/m2/tháng”, ông Timothy Horton, Tổng giám đốc C&W Việt Nam cho biết.
 
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, trong năm qua, tại các địa phương đều có các dự án hạ tầng mới đi vào hoạt động, trong khi các dự án hiện hữu có kết quả khả quan trong thu hút đầu tư.
 
Điển hình là các VSIP tại Bình Dương, trong đó, VSIP I đã lấp đầy 500 ha, VSIP II đã hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN VSIP, năm 2014 đã thu hút 623 triệu USD vốn FDI, tăng 86% so với năm 2013 và vượt hơn 100% kế hoạch năm.
 
Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật (trong KCN Hiệp Phước, TP.HCM) có diện tích 13 ha, tổng mức đầu tư 31 triệu USD, với mục tiêu là thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản…
 
Theo ông Waraya Tsutomu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật, ngay sau khi hoàn thành giai đoạn I vào cuối năm 2014, với diện tích 3 ha, đã có 2 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong ngành cơ khí thuê nhà xưởng sản xuất tại đây.
 
Trong khi đó, KCN Long Đức (Đồng Nai) có tổng diện tích hơn 280 ha, chủ yếu thu hút dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện, điện tử, vật liệu cao cấp, dược phẩm, thiết bị trường học, văn phòng phẩm, bao bì, hàng trang trí nội thất… Sau hơn 1 năm chính thức khánh thành, KCN Long Đức đã thu được kết quả khả quan.
 
Ông Atsushi Uehara, Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Đức (chủ đầu tư hạ tầng KCN Long Đức) cho biết, đến cuối năm 2014, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 60%, nhiều nhà đầu tư lớn đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, máy móc và sắp đi vào hoạt động sản xuất, như Công ty Toàn Cầu Lixil, Công ty Belmon, Công ty Kobelco-Eco Solution…
 
Dự báo, năm 2015 sẽ tiếp tục chứng kiến việc các nhà đầu tư rót vốn vào các KCN và sẽ phát triển đều trong các quý. Theo các chuyên gia, Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua và các chính sách, quy hoạch các KCN mới ban hành đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào phân khúc KCN.
 
“Đã có rất nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia liên lạc với C&W Việt Nam nhờ tư vấn tìm các diện tích đất khu công nghiệp từ 10.000 m2 trở lên”, ông Timothy nói và cho biết, C&W Việt Nam sẽ tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài tập trung triển khai dự án tại các địa phương có hạ tầng KCN tốt, như Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.
 
Với các chủ đầu tư KCN hiện hữu thì việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và đẩy mạnh thu hút đầu tư là mục tiêu hàng đầu trong năm 2015. Cụ thể, VSIP II sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào diện tích của giai đoạn I, đồng thời xây dựng và hoàn thiện giai đoạn II với diện tích hơn 700 ha. Trong khi đó, Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật đề ra mục tiêu lấp đầy 3 ha của giai đoạn I ngay trong năm nay.
 
Tuy nhiên, để các KCN đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng có thể đạt mục tiêu về thu hút đầu tư, thì những vướng mắc, khó khăn hiện nay cần sớm được tháo gỡ. Theo nhiều nhà đầu tư, chính sách thay đổi cần có lộ trình thực hiện cụ thể, như việc yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng KCN phải đóng tiền một lần là không dễ thực hiện, hay mức phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất cao sẽ làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng, dẫn đến đơn giá cho thuê đất tăng lên, gây khó cho công tác thu hút đầu tư…
Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo