FDI xuất siêu gần 5 tỷ USD, đóng thuế bao nhiêu?
4 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp FDI xuất khẩu ước đạt 30,35 tỷ USD, còn nhập khẩu 26,25 tỷ USD.
Xuất siêu 4,09 tỷ USD
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) trong 4 tháng đầu năm 2014 dự kiến đạt 30,35 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 66,3% kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu không kể dầu thô trong 4 tháng đạt 28,35 tỷ USD, chiếm 61,7% so với tổng xuất khẩu và tăng 20,1% so với cùng kỳ 2013.
Trong đó, riêng các mặt hàng gia công lắp ráp vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và chiếm ưu thế trong 4 tháng qua, như xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt tới 7,7 tỷ USD, tăng 29,2% (1,7 tỷ USD).
Nhập khẩu của khu vực FDI tính đến tháng 4 năm 2014 đạt 26,25 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 58,3% kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung 4 tháng, khu vực FDI xuất siêu 4,09 tỷ USD. Đáng lưu ý, trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu tới gần 4,1 tỷ USD, tăng 11,5% so cùng kỳ, thì khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục nhập siêu 3,4 tỷ USD, giảm 18% so cùng kỳ 2013.
Xuất siêu mạnh, vẫn lỗ?
Thống kê hết năm 2013, xuất siêu của khu vực FDI cũng lên đến 6,48 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của khu vực này là 80,91 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước; nhập khẩu là 74,43 tỷ USD, chiếm 56,3% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trong khi đó, theo số liệu của hơn 300 nghìn doanh nghiệp nộp tờ khai tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho thấy, luỹ kế 4 quý năm 2013, tổng số lỗ tạm tính là 206.331 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp nhà nước lỗ 20.684 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI lỗ 68.203 tỷ.
Trong việc “tăng lỗ” này, doanh nghiệp FDI có tỷ lệ tăng cao nhất là 37,6%, trong khi doanh nghiệp nhà nước tăng 9,3%, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước lại giảm 4,1%.
Bình luận về con số 68 ngàn tỷ đồng các doanh nghiệp FDI khai lỗ, ThS Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới, cho biết, đây là những dấu hiệu nghi ngờ việc các doanh nghiệp FDI đã tiến hành việc chuyển giá, trốn thuế nhưng vấn đề ở chỗ phải tìm hiểu thêm doanh nghiệp lỗ ở đâu, doanh nghiệp lỗ có xin mở rộng sản xuất không.
Trước tình trạng các doanh nghiệp FDI được hưởng những ưu đãi thuế, đất, vốn... hơn các doanh nghiệp nội song việc báo lỗ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, có doanh nghiệp báo lỗ trong suốt 20 năm hoạt động, ThS Bùi Ngọc Sơn kiến nghị, các cơ quan làm chính sách phải điều tra, có các bộ phận để thẩm định thậm chí phải có tòa án kinh tế xử lý vấn đề này.
"Ở Việt Nam có nhiều lỗ hổng, các vấn đề đều giải quyết theo kiểu nội bộ trong khi các nước khác tại Quốc hội, các nghị sĩ đưa ra thành vấn đề chất vấn. Phải có điều tra và điều tra độc lập, không phải nhà nước đi điều tra như hiện nay, như vậy rất khó để có được kết quả điều tra chính xác", ThS Bùi Ngọc Sơn nói.
GS Ngô Thế Chi - GĐ Học viện Tài chính cũng cho biết, thông qua nhiều vụ việc đã được chỉ ra trước đấy liên quan đến sai phạm của các doanh nghiệp FDI về vấn đề chuyển giá có thể khẳng định khả năng kiểm định, kiểm toán của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Theo GS Ngô Thế Chi, khi vấn đề chuyển giá xảy ra ở một số doanh nghiệp FDI, Việt Nam đã hai lần chịu thiệt khi vừa phải ưu đãi thuế cùng lúc trở thành nơi doanh nghiệp FDI đưa dây chuyền lạc hậu vào sản xuất, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, gây tác hại môi trường, sức khỏe của công nhân, hậu quả biến Việt Nam thành bãi rác công nghiệp nhưng họ vẫn thu được lợi cao.
"Cuối cùng thiệt thòi vẫn thuộc về phía Việt Nam nhưng hưởng lợi có thể chỉ nhóm người nào đó nên cần xem lại những người thực thi nhiệm vụ này", GS Ngô Thế Chi nói.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo