Quốc tế

G20 với kinh tế toàn cầu: Hội chẩn trị trọng bệnh

Trong hai ngày 18 - 19/6, tại thành phố du lịch nổi tiếng Los Cabos của Mexico, lãnh đạo các quốc gia thuộc G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) sẽ tập trung để hội chẩn và tìm ra các phương thuốc hữu hiệu để trị các căn bệnh nan y của kinh tế toàn cầu hiện nay.

Bảy tháng sau lần nhóm họp cuối cùng hồi tháng 11/2011 tại Cannes, Pháp, Hội nghị G20 vẫn đối mặt với những vấn đề cũ như: Nền kinh tế toàn cầu mất đà tăng trưởng, khủng hoảng nợ nghiêm trọng tại khu vực đồng Euro, tỷ lệ thất nghiệp cao... 

 

Trong bối cảnh đó, sự góp mặt của nhiều nguyên thủ như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladmir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Nhật Bản, Ấn Độ, Australia,... tại Los Cabos được kỳ vọng sẽ giúp nước chủ nhà tìm ra câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề trọng tâm là: "Ổn định kinh tế và tạo ra tăng trưởng để chấm dứt cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay".

 

Theo Tổng thống chủ nhà Felipe Calderon, Hội nghị G20 sẽ tập trung tìm giải pháp: Củng cố hệ thống tài chính, tăng trưởng kinh tế; giải quyết việc làm; tăng cường an ninh lương thực nhằm giảm sự biến động giá cả hàng hoá; thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu.

 

Cuộc họp lần này tại Mexico được coi là cơ hội cuối cùng để lãnh đạo G20 đưa ra một chương trình hành động cụ thể để chấm dứt tình trạng bất ổn của kinh tế toàn cầu. Nếu không chấm dứt được các triệu chứng nguy hiểm hiện nay, có thể sẽ là quá muộn để tìm ra được phương thuốc hữu hiệu nhằm hồi sinh kinh tế thế giới vì phải chờ đến tháng 9/2013, lãnh đạo G20 mới có cơ hội để nhóm họp lần nữa tại St Petersburg, Nga.

 

Theo đó, vấn đề nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu được coi là nội dung thảo luận trọng tâm. Đặc biệt, kế hoạch thành lập "liên minh tài chính", vốn được Thủ tướng Đức Angela Merkel kỳ vọng sẽ đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 6, sẽ được đưa ra bàn thảo ở Hội nghị thượng đỉnh G20.

 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nhiều khả năng Hội nghị lần này sẽ không đưa ra được một cam kết cụ thể nào để giải cứu kinh tế toàn cầu do những khác biệt trong quan điểm của các nước.

 

Bên cạnh luồng tư tưởng phải giải quyết dứt điểm vấn đề nợ nần của châu Âu, còn có những quan điểm cho rằng, G20 phải bàn thảo những nội dung có tác động sâu rộng tới kinh tế toàn cầu như: vấn đề ngân sách Mỹ, linh hoạt tiền tệ ở Trung Quốc và cải cách ở các thị trường mới nổi...

 

Ngoài ra, bên lề Hội nghị G20 tại Mexico, cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga và Mỹ sau khi ông Putin nhậm chức đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

 

Trong cuộc gặp kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, hai bên đã thảo luận về việc triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu, triển vọng giải quyết hòa bình ở Syria và tăng cường quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực,...

 

 

Theo KTĐT

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo