G8 muốn Châu Âu từ bỏ khắc khổ kinh tế
Các nhà lãnh đạo khối những nền kinh tế lớn nhất thế giới (G8) đã đồng thuận trong việc đề xuất Châu Âu cần tập trung vào tăng trưởng và tạo việc làm hơn là các biện pháp khắc khổ kinh tế .
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu như trên sau phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G8 ngày 19/5.
Phục hồi trong "gió ngược chiều"
Hội nghị thượng đỉnh thường niên G8 (gồm Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Italia, Nhật, Canada và Nga) năm nay diễn ra tại Trại David, tiểu bang Maryland (Mỹ). Trọng tâm của chương trình nghị sự là cuộc khủng hoảng nợ công đang lan tràn tại Châu Âu.
Phát biểu sau phiên bế mạc, ông Obama không quên "nhắc nhở" Châu Âu rằng "tăng trưởng và tạo việc làm" chính là cách tiếp cận mà Mỹ đã sử dụng thành công để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận tình hình ở Châu Âu "phức tạp hơn nhiều" so với cuộc khủng hoảng ở Mỹ.
Thông điệp của Tổng thống Obama còn phản ánh quan ngại của Mỹ về nguy cơ nợ công Châu Âu, vốn đang đe dọa sự tồn vong của khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone), có thể gây tác hại đến sự hồi phục mong manh của kinh tế Mỹ, cũng như cơ hội tái đắc cử của nhà lãnh đạo này vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới.
Trong khi đó, tuyên bố chung của G8 thể hiện cam kết "tiến hành mọi biện pháp cần thiết để tăng cường và củng cố nền kinh tế", song cũng bộc lộ chia rẽ trong cách thức đối phó với nợ công.
"Chúng tôi hiểu các biện pháp đúng không phải luôn giống nhau cho mỗi nền kinh tế" - thông cáo viết. Theo BBC, nội dung thông cáo G8 và phát biểu của ông Obama cho thấy lập trường ủng hộ tăng trưởng của Mỹ và Pháp đã thắng thế, so với quan điểm tiếp tục các biện pháp "khắc khổ kinh tế" của Đức và Anh.
Các nhà lãnh đạo G8 nhận định, kinh tế toàn cầu "đã có những dấu hiệu phục hồi, dù vẫn còn phải đối phó với gió ngược chiều". Nhằm dẹp bỏ nỗi lo của các nhà đầu tư, các nước G8 tái khẳng định nỗ lực "giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro".
Động thái này được xem là bất thường, bởi khối G8 hiếm khi đề cập trực diện một quốc gia nhỏ trong thông cáo chung. Nhưng điều này là có lý do, khi bế tắc chính trị tại Hy Lạp sau cuộc bầu cử hôm 6/5 có thể khiến Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone, điều có thể gây ra hậu quả khôn lường đối với hệ thống tài chính và sự bình ổn kinh tế toàn cầu.
NATO bàn rút quân khỏi Afghanistan
Ngay sau khi Hội nghị G8 khép lại, Tổng thống Obama và các nguyên thủ khác bay đến Chicago (bang Illinois, Mỹ) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 20 - 21/5, với trọng tâm nghị sự là kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan và việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của các nước thành viên.
Cuộc chiến Afghanistan vốn được xem là một điển hình cho sự gắn kết của liên minh NATO, thể hiện qua tuyên bố "cùng đến và cùng đi" của Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.
Song, sự gắn kết này đang bị đe dọa khi tân Tổng thống Pháp Franois Hollande quyết định rút lực lượng chiến đấu của nước này khỏi Afghanistan trước cuối năm nay, thay vì lịch trình chung vào năm 2014. Ông Hollande cũng từ chối cung cấp chi tiết về kế hoạch rút quân, với lý do đó là "việc riêng của Pháp".
Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Obama kỳ vọng NATO sẽ đồng ý cấp khoản ngân sách 1,3 tỉ USD mỗi năm, để giúp củng cố lực lượng vũ trang Afghanistan. Song NATO không dễ đạt được mục tiêu trên, vào thời điểm các nước thành viên đều đang phải cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng, hệ quả từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Hội nghị NATO còn bàn thảo sách lược "quốc phòng thông minh" - do Tổng Thư ký NATO Rasmussen đề xuất - nhằm giúp các nước sử dụng ngân sách quốc phòng hiện có một cách hiệu quả và thiết thực nhất. Chương trình phòng thủ tên lửa tại Châu Âu - một chủ đề gây bất hòa giữa NATO và Nga - cũng được thảo luận trong nghị trình tại Hội nghị NATO.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo