Ga Hà Nội: Hành khách ngồi gần nhà vệ sinh, nằm trên sàn tàu
Theo đó, một số hành khách đã phải ngồi ghế phụ (ghế nhựa) tại khu vực bồn rửa tay (gần khu vực nhà vệ sinh) trên toa tàu trên chuyến tàu SE1 từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh, khởi hành vào lúc 19h30, ngày 16/02 từ Hà Nội. Mỗi ghế phụ trên có giá lên tới 956.000 đồng.
Thậm chí, có hành khách do quá mệt mỏi đã nằm ra cả sàn đi lại trên tàu phía ngoài toa giường nằm, nhìn rất phản cảm, nhưng không được các nhân viên phục vụ trên tàu nhắc nhở.
Anh T., một hành khách trên tàu cho biết, do nhu cầu đi lại nhưng không mua được vé nên chấp nhận mua ghế phụ theo gợi ý của nhân viên bán vé. Tuy nhiên, anh không ngờ giá vé đắt và chất lượng phục vụ lại kém đến vậy. "Ngồi trên "chiếc ghế nhựa 1 triệu" này đi hơn 1 nghìn km đúng là một kỷ niệm đáng nhớ", anh T. chua chát.
Anh T. cho biết thêm, trên tàu có khá nhiều hành khách phải đứng hoặc ngồi ghế phụ. Thêm vào đó, nhân viên phục vụ trên tàu cũng nhiều lần mời các hành khách mua các ghế chính, ghế mềm và giường nằm… còn trống trên các toa. Như vậy, việc bán vé ghế phụ và các loại chỗ ngồi khác là không hợp lý, nhiều hành khách phải mua ghế phụ, trong khi ghế loại khác vẫn còn (!?)
Trao đổi về vấn đề trên, đại diện Ga Hà Nội (đơn vị đang quản lý, vận hành tàu SE1) cho biết, để tạo điều kiện cho hành khách đi lại dịp tết Bính Thân vừa qua, mỗi toa tàu được phép bán thêm 15% ghế phụ để đáp ứng nhu cầu đi lại vào những ngày cao điểm. Giá vé ghế phụ giảm 20% so với ghế cứng.
Chuyến tàu SE1 khởi hành từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh vào 19h30, ngày 16/2 có tổng số vé bán trên tàu là 648 chỗ và 91 ghế phụ. Thời điểm cao điểm nhất trên tàu có 693 hành khách; tổng số khách đi tàu là 1051 hành khách.
Lý giải về vấn đề hành khách ngồi cả ở khu vực bồn rửa tay, gần nhà vệ sinh; nằm ra cả hành lang đi lại trên toa tàu, vị đại diện Ga Hà Nội cho biết: “Hành khách mua ghế phụ đều là tự nguyện, có thể họ ngồi tại khu vực bồn rửa là để hút thuốc, và họ thích ngồi đâu hay làm gì là việc của họ” (!?)
“Tình trạng này không nhiều, khách hàng nên chia sẻ với những người không mua được vé chính để họ có thể đi lại trong đợt cao điểm trước và sau tết”, vị này thông tin thêm.
Đành rằng, việc tăng cường bổ sung thêm ghế phụ là đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là chính đáng nhưng những hình ảnh ở trên cũng như câu trả lời của vị đại diện Ga Hà Nội không khỏi khiến cho độc giả băn khoăn khi Bộ GTVT đang quyết liệt Tái cấu trúc ngành đường sắt trong vấn đề văn hóa ứng xử với mong muốn thu hút hành khách. Vậy Ga Hà Nội có đang làm đúng với chủ trương của Bộ GTVT cũng như ngành đường sắt nói chung?
End of content
Không có tin nào tiếp theo