Thị trường

Gạch ngói Nhị Hiệp: bao giờ trở lại?

Gạch Nhị Hiệp – một thương hiệu gạch nổi tiếng tại thị trường miền Nam đang phải đóng cửa nhà máy.

Ngành sản xuất gạch ngói đang gặp nhiều khó khăn.

 Kể từ tháng 9 này, Công ty Cổ phần gạch ngói Nhị Hiệp tạm ngừng sản xuất gạch ngói sau hơn 30 năm hoạt động trong ngành này. Mặc dù theo thông báo được công bố, Nhị Hiệp khẳng định sẽ trở lại sau khi tìm mua được địa điểm và xây dựng xong nhà máy mới, nhưng trong tương lai gần, việc trở lại với mảng gạch ngói đối với thương hiệu lâu năm này có vẻ như chưa thực sự cần thiết. Một trong số nhiều nguyên nhân cho điều này là do triển vọng của ngành gạch ngói đã không còn sáng sủa.

Ngành gạch ngói Việt Nam có truyền thống phát triển lâu đời nhưng lại có xuất phát điểm lạc hậu với những lò gạch ngói thủ công quy mô nhỏ. Giai đoạn phát triển sau này, ngành đã có một bước chuyển lớn khi dần chuyển sang sản xuất bằng công nghệ (công nghệ Tuynel hoặc Hoffman). Ngoại trừ các lò gạch tư nhân tự phát nhỏ lẻ, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều đã sử dụng công nghệ bán thủ công hoặc công nghệ công nghiệp hoàn toàn. Nhưng cơ bản, quy trình sử dụng gần như vẫn là nung đất sét.
 
Với quy trình này, mặc dù chi phí rẻ và hiệu quả nhưng lại kéo theo nhiều hệ quả. Điển hình là việc gây ô nhiễm môi trường và làm cạn kiệt nguồn đất sét, từ đó làm ảnh hưởng đến thành phần của đất nông nghiệp. Vì vậy, những năm gần đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra một số chính sách nhằm giải quyết vấn đề trên, đặc biệt khuyến khích sử dụng vật liệu không nung trong sản xuất vật liệu xây dựng.
 
Riêng đối với địa bàn tỉnh Bình Dương, nơi Nhị Hiệp đặt văn phòng và nhà máy, lộ trình quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung cũng đã được Bộ Xây dựng ban hành từ năm 2012. Theo đó, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung kể từ năm 2014; các khu vực còn lại có 2 mốc để hoàn thành, nhưng sau năm 2015 cũng phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung. Dường như các doanh nghiệp sản xuất gạch ngói đang rơi vào ngõ cụt, mà Nhị Hiệp không phải là trường hợp ngoại lệ.
 
Từ năm 2012, gạch ngói đã không còn là mảng hoạt động hiệu quả mang lại lợi nhuận cho Nhị Hiệp, mặc dù thương hiệu về gạch Nhị Hiệp đã được khẳng định trên thị trường phía Nam. Năm 2012, Nhị Hiệp đạt 18 tỉ đồng doanh thu từ sản xuất gạch ngói, nhưng giá vốn hàng bán đã bắt đầu vượt quá con số này. Với kết quả trên, gạch ngói, vốn được coi là mảng cốt lõi của Nhị Hiệp, lại bắt đầu trở thành gánh nặng. Tình hình năm 2013 cũng không mấy khả quan với khoản lỗ gần 4 tỉ đồng cho mảng này.
 
Những quy định và khó khăn chung của thị trường đã dẫn đến việc tiêu thụ mặt hàng vật liệu xây dựng bị chững lại, không những ảnh hưởng đến sản lượng bán ra, mà lợi nhuận gộp tính trên từng viên gạch cũng rất thấp. Bên cạnh những nguyên nhân về giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá bán ngày càng cạnh tranh, tình trạng ế hàng khiến Công ty phải giảm giá đáng kể cũng là một yếu tố quan trọng. Trong năm 2013, Nhị Hiệp đã phải dừng sản xuất 4 tháng để giải phóng hàng tồn.
 
Đây cũng là tình hình chung của một số công ty cùng ngành đang niêm yết trên sàn. Công ty Cổ phần Gạch men Chang Yih, một công ty có gốc từ Đài Loan, là một ví dụ. Dù có lợi thế nguồn nguyên liệu ổn định nhưng công ty này vẫn báo lỗ thường xuyên. Công ty Cổ phần Viglacera Đông Anh thì đang rơi vào diện bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế âm 2 năm liên tiếp.
 
Dù bức tranh chung không lạc quan, nhưng đối với các nhà đầu tư vào Nhị Hiệp, điều đó dường như không đáng ngại. Đó là bởi vì đã từ lâu doanh thu từ sản xuất gạch ngói chỉ chiếm tỉ trọng thứ yếu trong tổng doanh thu của Nhị Hiệp. Năm 2005 (không có số liệu xa hơn), sản xuất gạch ngói chiếm 36% tổng doanh thu so với con số 63% của lĩnh vực sản xuất đá xây dựng. Đến năm 2013, tỉ trọng mảng đá tiếp tục tăng lên chiếm đến hơn 80% tổng doanh thu (đóng góp gần 74 tỉ đồng). Chính nhờ mảng này mà Nhị Hiệp đã mấy phen được cứu khi lợi nhuận từ mảng mang lại tên tuổi cho Công ty (tức gạch ngói) bị âm.
 
Một điều đáng chú ý nữa là nguồn lợi nhuận thu về cũng có phần đóng góp không nhỏ của hoạt động tài chính đến từ các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. Cuối quý II vừa qua, khoản tiền và đầu tư ngắn hạn (tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng) lên đến gần 34,5 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần vốn đầu tư của chủ sở hữu. Đây có phải là câu trả lời thỏa đáng cho việc mặc dù mảng gạch ngói chịu lỗ vài năm trở lại đây, còn mảng đá với suất sinh lợi vào khoảng 10% nhưng Nhị Hiệp vẫn luôn chi trả cổ tức khá cao cho cổ đông?
 
Nhờ lượng tiền mặt còn nhiều, Nhị Hiệp, dù tạm ngừng sản xuất gạch ngói, cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Bởi lẽ Công ty có thể sử dụng số tiền này để đầu tư và nâng cấp trên diện tích đất của nhà máy Nhị Hiệp phục vụ cho kinh doanh dịch vụ cảng và cho thuê kho bãi. Còn chuyện quay lại với nghề gạch dường còn xa, bởi một Nhị Hiệp đang “an toàn” với lĩnh vực đá cùng một khoản tiền để dành kha khá sẽ chưa muốn quay lại với những hồi ức về con số lợi nhuận âm từ sản xuất gạch ngói. 
 
Theo Nhip cầu đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo