Thị trường

Game online chưa hết thấp thỏm lo bị áp thuế Tiêu thụ đặc biệt

Vấn đề có hay không áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với game online sẽ quyết định lớn tới sự tồn vong của nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh trong ngành này.

 Đánh thuế TTĐB cho game online không chỉ "nóng" với cư dân mạng

Nửa cuối tháng 9 và tháng 10/2014, có lẽ là quãng thời gian xuất hiện nhiều căng thẳng nhất trong năm nay đối với các doanh nghiệp cung cấp game online của Việt Nam. Bởi vấn đề có hay không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhiều lần mang ra xem xét.
 
 Nếu bị áp thuế TTĐB, nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh game online sẽ có nguy cơ phá sản.
 
Trên thực tế, các doanh nghiệp cung cấp game online ở Việt Nam đã liên tục đối mặt với tình trạng thua lỗ trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc game online mới ở Việt Nam đã bị ngừng cấp phép từ giai đoạn nửa cuối 2010. Chính vì thế, nếu game online bị liệt vào danh sách chịu thuế TTĐB thì đây sẽ là đòn "kết liễu" với nhiều doanh nghiệp trong ngành này hiện đang sống "thoi thóp".
 
Tại phiên họp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xung quanh dự án Luật thuế TTĐB. Tại đó, nhiều ý kiến đã đề nghị bổ sung cũng như đồng thuận với ý kiến đưa game online vào diện chịu thuế TTĐB.
 
Cuối tháng 9/2014, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho tiếp thu bổ sung trò chơi điện tử trực tuyến vào diện chịu thuế TTĐB với đề nghị mức thuế suất áp dụng là 10%. Ngay sau đó Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề nghị bổ sung này. Việc đưa game online vào diện chịu thuế TTĐB cũng đã được trình lên Quốc hội sau đó.
 
Mặc dù vậy, ngày 16/10, sau quá trình rà soát, tổng kết, đánh giá thêm tình hình kinh doanh game online tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho rút nội dung thu thuế TTĐB đối với trò chơi điện tử trực tuyến khỏi dự án Luật.
 
Tuy nhiên, ngày 4/11, khi các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thuế TTĐB vấn đề áp thuế TTĐB với game online lại một lần nữa được đem ra bàn thảo. Tại đó đã có nhiều ý kiến đồng tình cũng như phản đối vấn đề này.
 
Như vậy, các doanh nghiệp game online trong nước lại tiếp tục phải chờ đợi kết luận cuối cùng của Quốc hội về việc có hay không áp thuế TTĐB đối với game trực tuyến. Dự kiến dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2014 này và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
 
Không áp thuế TTĐB cho game online, các Bộ nói gì?
 
Trong văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc rút nội dung thu thuế TTĐB đối với trò chơi điện tử trực tuyến khỏi dự án Luật, Bộ Tài chính đã nêu ra nhiều lý do về việc tại sao không nên đưa game online vào diện phải chịu thuế TTĐB này.
 
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, để hạn chế, phòng chống các tác động tiêu cực từ trò chơi điện tử trực tuyến, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định quản lý dịch vụ cung cấp trò chơi như: Địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách trường học từ 200 m trở lên; bảo đảm đủ ánh sáng, độ chiếu đồng đều; bảo đảm diện tích phòng tối thiểu và quy định không được kinh doanh từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau.
 
Ngoài ra, game online là một loại hình dịch vụ trong ngành công nghiệp Nội dung số được Nhà nước khuyến khích và ưu đãi đầu tư và hỗ trợ phát triển thành ngành kinh tế trọng điểm.
 
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quản quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm trong việc quản lý game online cũng cho rằng việc đưa trò chơi trực tuyến vào diện chịu loại thuế này sẽ làm triệt tiêu sự phát triển của ngành công nghiệp có khả năng mang lại nguồn thu lớn.
 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son cho rằng, mặc dù game online có nhiều mặt tiêu cực nhưng không phải vì thế mà cấm hoặc đưa vào diện chịu thuế TTĐB. Hiện Nghị định 72 đã có hiệu lực, trong đó có nhiều chế tài quản lý sao cho game online đáp ứng được như cầu giải trí nhưng vẫn tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời hạn chế mặt trái của loại hình kinh doanh này.
 
Theo Kinh tế và Đô thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo