Xã hội

Gần 400 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng chính sách dịp Tết Quý Tỵ

Bộ đang trình Nhà nước hai mức quà tặng với các đối tượng có công với cách mạng là 200.000 đồng và 400.000 đồng.

Chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công, người nghèo là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, nhất là mỗi khi Tết đến, Xuân về. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng năm nay, Đảng và Nhà nước vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới những đối tượng này với mục đích tất cả các hộ gia đình chính sách, người nghèo, hộ gia đình khó khăn đều được đón một cái Tết vui vẻ, an toàn và tiết kiệm. Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời cụ thể hơn về vấn đề này.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền bắt đầu chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời với câu hỏi của một nông dân thuộc diện cận nghèo. Theo tiêu chí, với mức thu nhập 420.000 đồng/tháng/người, thì gia đình ông thuộc diện cận nghèo (trong khi mức thu nhập hộ nghèo là 400.000 đồng/người). Vì thế gia đình đang thực sự gặp rất nhiều khó khăn.

Câu hỏi đặt ra là liệu hộ cận nghèo như ông có được hưởng chính sách hỗ trợ Tết như với hộ nghèo hay không? Bộ trưởng cho biết: Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Hiện nay, các Bộ, ngành đang tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ các hộ cận nghèo. Cụ thể như chính sách cho vay tín dụng ưu đãi với hộ cận nghèo với lãi xuất bằng 130% cho với lãi suất cho vay hộ nghèo; nâng mức hộ trợ hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế bằng 70% mệnh giá; trình chính sách hỗ trợ 100% mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo mới thoát nghèo.

Bộ LĐ-TB-XH sẽ đề xuất Chính phủ ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ sản xuất. Còn việc hỗ trợ hộ cận nghèo như thế nào trong dịp Tết, Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công điện về việc triển khai công tác phục vụ Tết nguyên đán Quý Tỵ.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói: “Khó khăn của người cận nghèo rất gần khó khăn của người nghèo. Chính vì vậy dịp Tết, Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ gạo cho hộ nghèo, và nếu bác ở diện cận nghèo và khó khăn thì chính quyền địa phương sẽ rà soát và cũng xem xét được hỗ trợ gạo để có cái Tết tốt. Nước ta là một trong những nước khối ASEAN, được đánh giá là nước có nhiều chính sách an sinh xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội thì Việt Nam là một trong những nước được thế giới đánh giá rất tốt. Trong quá trình thực hiện, có rất nhiều chính sách cho người nghèo. Riêng đối với dịp Tết, vừa rồi Chính phủ chỉ đạo yêu cầu các tỉnh rà soát lại các đối tượng hộ nghèo để đảm bảo tất cả mọi người đều có Tết. Chính vì vậy mà đến nay, theo báo cáo các địa phương, có 10 tỉnh đề xuất hỗ trợ gạo để cứu trợ dịp Tết cho đồng bào, cho người nghèo, với số lương thực là 23.000 tấn. Bộ đã tập hợp và trình Chính phủ để hỗ trợ cho những đối tượng này”.

Một câu hỏi khác được gửi đến Bộ trưởng từ một công nhân có mức lương 65.000 đồng cho 1 ca làm việc 8 tiếng đồng hồ. Không chỉ mức lương thấp mà đã 3 tháng nay, anh công nhân này chưa nhận được tiền công. Vậy những trường hợp khó khăn như thế có nằm trong diện hỗ trợ của Nhà nước trong đợt Tết này hay không?.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo quy định hiện hành thì mức lương trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện làm việc bình thường thì không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Như vậy, tùy từng vùng, mỗi người lao động sẽ biết mình có được nhận lương đúng theo quy định hay không.

Còn về việc chậm trả lương 3 tháng, Bộ trưởng cho biết: Theo quy định của Bộ luật lao động thì người lao động được trả lương đúng thời hạn, trường hợp đặc biệt phải trả chậm quá một tháng thì phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng tiền lãi gửi tiết kiệm ngân hàng.

Chính vì vậy, lời khuyên của Bộ trưởng là những trường hợp như thế cần phản ánh với công đoàn cơ sở, cơ quan chức năng của tỉnh để thanh tra, kiểm tra và xử lý theo pháp luật.

Trả lời việc liệu những công nhân như đã nêu hay với những doanh nghiệp có chủ bỏ trốn thì có được hỗ trợ khó khăn trong dịp Tết hay không, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói: “Trước tiên tôi rất chia sẻ với người lao động. Năm nay kinh tế hết sức khó khăn, doanh nghiệp cũng khó khăn và người lao động phải gánh khó khăn đó. Vì vậy mà tình trạng trả chậm lương cũng có ở một số đơn vị. Và với trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động tiền lương thì chúng tôi rất chia sẻ cho người lao động.

Tuy nhiên, ngành chúng tôi đã có chỉ đạo các địa phương cũng như doanh nghiệp rà soát, nếu doanh nghiệp mà thu nhập thấp, khó khăn về thu nhập thì huy động cộng đồng cũng như hỗ trợ từ doanh nghiệp khác để lấy nguồn hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp này. Mặc khác, cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải cố gắng mức cao nhất để thanh toán các khoản tiền nợ cho người lao động.

Theo yêu cầu, vừa rồi chúng tôi có đi kiểm tra một số nơi thì các doanh nghiệp cũng có tâm sự mà cần hết sức chia sẻ với họ. Họ nói, người lao động gắn với doanh nghiệp. Vì vậy, với tình cảm và trách nhiệm của họ với doanh nghiệp có tốt thì năng suất lao động càng tốt. Chính vì vậy, họ cũng xác định mặc dù khó nhưng họ sẽ dành một phần nhất định để hỗ trợ dịp Tết này. Tuy nhiên, tùy từng khả năng của từng loại doanh nghiệp để có mức hỗ trợ khác nhau.

Đối với những doanh nghiệp có chủ bỏ trốn thì chúng tôi đã tham mưu với Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý có một văn bản chỉ đạo các tỉnh tạm ứng ngân sách để thanh toán tiền lương, tiền trợ cấp cho các đối tượng theo quy định và đến khi phải giải thể hoặc là hóa giá các doanh nghiệp đó, bán các doanh nghiệp đó để thanh toán nộp lại ngân sách Nhà nước sau. Nếu đơn vị nào thiếu, không đủ để trả thì Nhà nước sẽ cân đối và hỗ trợ”.

Tri ân người có công với cách mạng, gia đình chính sách là đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, nhất là khi Tết đến Xuân về. Năm ngoái, mức kinh phí chi cho các đối tượng chính sách trong dịp Tết là 390 tỷ đồng và năm nay, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng mức chi tăng lên gần 400 tỷ đồng.

Bộ trưởng cho biết, với mức kinh phí này, Bộ đang trình Nhà nước hai mức quà tặng với các đối tượng có công với cách mạng. Cụ thể, mức 400.000 đồng được trao cho các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất, nuôi dưỡng hàng tháng; thân nhân hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 81% trở lên; người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Còn mức quà 200.000 đồng được tặng cho thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 80% trở xuống, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ, đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ, người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết thêm, Bộ đã yêu cầu các tỉnh, thành phố có kế hoạch cụ thể để tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các đối tượng gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Cùng với ngân sách Nhà nước, các địa phương huy động thêm các nguồn  lực chăm lo các gia đình chính sách trong dịp Tết nguyên đán, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta./.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo