Xã hội

Gần 5.000 container hàng cấm, "quên" ở cảng Hải Phòng

Hàng cấm từ ngà voi đến rác thải hòng qua mặt nhà chức trách tuồn vào nội địa không thành đang xếp hàng án ngữ ở cảng Hải Phòng.

Hiện cảng Hải Phòng đang tồn đọng gần 5.000 container hàng hóa, biến nơi đây thành bãi phế liệu bất đắc dĩ.

Qua kiểm tra, Hải quan TP Hải Phòng phát hiện trong đó có hàng trăm container chứa hàng cấm, trị giá cả trăm tỉ đồng.
 
Vinashin, Vinalines “bỏ quên” gần 200 container
 
Cục Hải quan TP Hải Phòng cho biết đến thời điểm này, trong số gần 5.000 container hàng hóa tồn đọng tại khu vực cảng Hải Phòng thì riêng các công ty thuộc 2 “ông lớn” ngành hàng hải là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) “bỏ quên” gần 200 container đến gần 5 năm. Trong đó, nhiều nhất là Công ty Sửa chữa tàu biển Nosco thuộc Vinalines, Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu và Công ty Xuất nhập khẩu Vinashin thuộc Vinashin.
 
Theo một cán bộ Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan Hải Phòng, các đơn vị đứng tên người nhận hàng trên vận đơn không từ chối nhận hàng. Vì vậy, việc xử lý các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan này đang trở nên bế tắc. “Tồn đọng quá nhiều hàng hóa tại khu vực cảng Hải Phòng gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu ở cửa ngõ giao thương quan trọng nhất khu vực phía Bắc cũng như công tác quản lý của cơ quan hải quan” - một lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng nói.
 
Cảng Hải Phòng bị biến thành bãi phế liệu do hàng ngàn container hàng không có người nhận
 
Hàng hóa vi phạm khá đa dạng như: thực phẩm đông lạnh thuộc diện cấm nhập; phế liệu, hàng cấm, hàng đã qua sử dụng…
 
Buộc tái xuất hoặc tịch thu
 
Theo Cục Hải quan TP Hải Phòng, việc xử lý các trường hợp hàng “bỏ quên” gặp rất nhiều khó khăn bởi đa số là hàng (quá hạn trước ngày 1-1-2013) thuộc danh mục cấm nhập khẩu như: cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng, nhựa phế liệu, giấy phế liệu, sắt thép phế liệu… Trên thực tế, các lô hàng này được tạm nhập để tái xuất.
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tạm dừng cấp phép kinh doanh tạm nhập tái xuất các mặt hàng trên. Tuy nhiên, để trốn tránh trách nhiệm, khi cơ quan hải quan yêu cầu làm việc, chủ thể vi phạm (người gửi hàng, chủ sở hữu) ở nước ngoài đã bỏ hàng hóa hoặc không có ý kiến phản hồi. Do đó, cơ quan hải quan không thể lập biên bản vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử phạt. Trường hợp này chỉ có thể áp dụng hình thức tịch thu hàng hóa sung công quỹ hoặc tiêu hủy.
 
Một lãnh đạo Cục Hải quan TP Hải Phòng cho biết hiện đơn vị đang phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan thành lập tổ xử lý để thống kê, phân loại hàng quá hạn tại từng cảng, từng hãng tàu; đồng thời xác minh, thu thập thông tin, tài liệu từng lô hàng làm cơ sở thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo. Sau đó, báo cáo kết quả kiểm tra, xác định cụ thể hành vi vi phạm, đề xuất xử lý dứt điểm theo phương thức cuốn chiếu lần lượt từng lô hàng, từng cảng.
 
Đối với các mặt hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, nếu về trước ngày 4-4-2013 (thời điểm Bộ Công Thương ban hành Thông tư 05 quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa), tổ xử lý sẽ đề xuất Bộ Công Thương cấp phép trở lại để doanh nghiệp tái xuất hết hàng hóa. Trường hợp các lô hàng thuộc danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, Đội kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan TP Hải Phòng sẽ xác minh làm rõ, đề xuất xử phạt vi phạm hành chính, buộc tái xuất hoặc tịch thu.
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo