Xã hội

Gắn dạy nghề với nhu cầu doanh nghiệp

Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Dạy nghề cần gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, hoạt động của làng nghề, vùng chuyên canh và chương trình xây dựng nông thôn mới.

(KTĐT) Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, qua 3 năm triển khai Đề án 1956, Bộ đã tổ chức xây dựng và nghiệm thu chương trình, giáo án của 101 nghề nông nghiệp với trình độ sơ cấp. Năm 2012, cả nước có 36 tỉnh triển khai dạy nghề nông nghiệp cho 91.000 lao động nông thôn với kinh phí 93 tỷ đồng. Đã có nhiều mô hình dạy nghề phát huy hiệu quả, nhiều lao động sau học nghề trở thành chủ trang trại hoặc doanh nghiệp làm ăn khấm khá.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn vướng mắc, trong đó có vấn đề kinh phí. Ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện nông nghiệp Nam Bộ nêu ví dụ, trong quy định, chi phí ăn ở, đi lại cho giáo viên chỉ được cấp một lần đi và một lần về. Nhưng do đặc thù công việc, giáo viên thường xuyên phải xuống cơ sở, ăn, ngủ và tham gia sản xuất cùng bà con nông dân. Những chi phí phát sinh này đều phải do giáo viên tự bỏ ra hoặc nhà trường chi trả. Bởi vậy, không khuyến khích được cơ sở dạy nghề tham gia đào tạo.
 
Sau 3 năm triển khai Đề án 1956, đến nay cả nước đã huy động được gần 2.000 cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn; đào tạo nghề cho 1,62 triệu lao động nông thôn. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%.

Ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) chia sẻ, mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 đào tạo được 5,2 triệu lao động nông thôn là rất khó do ngân sách Trung ương còn hạn chế. Đáng chú ý, tại nhiều nơi, việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tế nên dẫn tới tình trạng lao động học xong không có việc làm.

Năm 2013, cả nước đặt mục tiêu đào tạo 600.000 lao động nông thôn. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, theo ông Đào Trọng Độ, cần căn cứ vào điều kiện của từng địa phương và yêu cầu của doanh nghiệp để tổ chức dạy nghề. "Các địa phương cần rà soát danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, điều kiện dạy nghề của từng cơ sở, tuyệt đối không tổ chức dạy nghề khi không dự báo được việc làm và mức thu nhập sau đào tạo" - ông Độ góp ý.

Đặc biệt, dạy nghề cần gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, hoạt động của làng nghề, vùng chuyên canh và chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề, chính quyền địa phương và doanh nghiệp sẽ giúp tạo đầu ra cho lao động nông thôn sau học nghề hoặc nông dân sẽ được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đây là hướng đào tạo bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, để hoạt động dạy nghề được triển khai thuận lợi và có hiệu quả hơn, Nhà nước cần có chính sách nâng mức phí hỗ trợ đào tạo cho học viên và chế độ cho cán bộ làm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

 

 

Đoàn Huế

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo