Gánh nặng của Ngân hàng Nhà nước
“Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bây giờ vừa giã gạo vừa bế em, vừa thổi cơm vừa xay lúa”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói trong cuộc gặp gỡ với báo chí mới đây tại TPHCM. Ông giải thích: “Ngoài các mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ , chúng tôi phải ưu tiên tập trung để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP theo quyết tâm của Chính phủ”.
Ổn định vĩ mô trong đó có ổn định tỷ giá và lãi suất được giới kinh doanh ghi nhận là hai điểm cộng trong nửa đầu năm của cơ quan điều hành.
Đại diện một quỹ đầu tư ở TPHCM nói: “NHNN vừa công bố tăng trưởng tín dụng gần 7% so với đầu năm, lưu ý đó là con số cao nhất của cùng kỳ trong năm năm qua và nhờ đòn bẩy tín dụng này, GDP quí 2 đã bật lên sau khi không đạt kế hoạch ở quí 1”. Ông nhận định: “Chính phủ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay bất chấp những cơn gió ngược, tăng trưởng tín dụng hoàn toàn có khả năng đạt 18-20% trong năm để thúc đẩy mức tăng trưởng đó”.
Những ẩn số
Câu hỏi đặt ra là liệu NHNN có tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo chiều hướng nới lỏng trong sáu tháng cuối năm hay không khi mà thị trường tiền tệ xuất hiện nhiều ẩn số mới.
Liệu NHNN có tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo chiều hướng nới lỏng trong sáu tháng cuối năm hay không khi mà thị trường tiền tệ xuất hiện nhiều ẩn số mới?
Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng, các ẩn số đó là lạm phát đe dọa tăng, tỷ giá bị nhiều sức ép, tín dụng đang được bơm ra nhanh giữa các lo ngại về sự gia tăng nợ xấu và tiến độ xử lý nợ xấu, nguồn cung trái phiếu chính phủ (TPCP) khá lớn trong khi chất lượng đầu tư công chưa có câu trả lời, cung - cầu trên thị trường bất động sản vẫn lệch pha, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào nhưng không bền và chỉ là ngắn hạn...
Như vậy, các cú sốc tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng vẫn còn, vì vậy thị trường vẫn thận trọng và lường trước khả năng lãi suất tăng trong trung hạn.
Bên cạnh đó, sáu tháng cuối năm còn là thời điểm tín dụng có xu hướng tăng tốc, lượng TPCP bán ra cũng tăng. Khi cầu về vốn tăng nhanh hơn so với cung, lãi suất cũng sẽ chịu sức ép tăng.
Và theo quy luật một số năm gần đây, tỷ giá thường chịu sức ép lớn từ cuối quí 2. Cộng với sự kiện Brexit, xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN.
Nói cách khác, dư địa để NHNN tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ không còn rộng rãi như sáu tháng đầu năm và mặt bằng lãi suất được dự báo vẫn có xu hướng tăng nhẹ. Trong khi đó, tỷ giá tăng sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động tiêu cực, từ đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế. BVSC dự báo “tiền đồng sẽ giảm giá khoảng 2-3% so với đô la Mỹ trong năm 2016”.
Dân “buôn tiền” dự đoán gì?
Tại Hội nghị về thị trường trái phiếu 2016 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam mới đây ở Đà Nẵng, đại diện Vietcombank cho rằng, các ngân hàng từ đầu năm không phải quá lo lắng về thanh khoản vì các tín hiệu từ phía cơ quan quản lý không có nhiều áp lực, kể cả ngoại tệ có phá giá hai chữ số trong cả năm thì các ngân hàng cũng thấy phù hợp với bối cảnh chung. Thị trường đã và vẫn có cơ hội cho các tổ chức kinh doanh tiền tệ và một số treasury (bộ phận kinh doanh vốn và tiền tệ) của các ngân hàng đã yên tâm phần nào vì đã kịp hiện thực hóa lợi nhuận trong năm của mình.
Tuy nhiên, với nền kinh tế đang tiềm ẩn nhiều sự chưa ổn định thì khả năng NHNN có thể thắt chặt tiền tệ vẫn còn. Khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành là khó vì cơ quan này vẫn phải chạy theo GDP, nên trái phiếu cũng sẽ phải chạy theo biên độ hẹp, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chần chừ hơn vào cuối năm trong các quyết định của mình.
Đại diện quỹ đầu tư EastSpring, ông Ngô Thế Triệu, chia sẻ rằng mặc dù kết quả kinh doanh của quỹ khá tốt từ đầu năm tới nay song ông vẫn “lo ngại về các ngòi nổ của thị trường” bởi “các giải pháp bơm tiền ra thị trường của Chính phủ thực sự chưa có hiệu quả cao”.
Ông Triệu cho rằng: tăng trưởng GDP các năm tiếp theo khó duy trì cao như quá khứ vì có rất nhiều trở ngại, nếu duy trì mức tăng trung bình khoảng 6% trong ba năm tới đã là thành công lớn. Tuy nhiên, theo ông, so với thế giới hiện nay, mức tăng 6% vẫn là mức tăng tốt và tạo điều kiện cho các nhà kinh doanh trên thị trường tiền tệ nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Ông dự báo giá trị tiền đồng cả năm 2016 sẽ ổn định. Lợi suất TPCP sẽ giảm hoặc sẽ không cao hơn trong ngắn hạn từ nay tới cuối năm. Huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng dự kiến sẽ tăng tiếp tục và các hành động của NHNN trong ngắn hạn sẽ hỗ trợ cho lợi tức TPCP.
Ông Trần Kiều Hưng, Trưởng bộ phận giao dịch và kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nói: “Đối chiếu tăng trưởng tín dụng với mục tiêu của Chính phủ thì tín dụng sẽ còn phải tăng rất cao và nó chảy vào đâu là câu hỏi quan trọng”. Theo ông, trong khi nền kinh tế vẫn còn tồn tại những vấn đề lớn mà bơm tiền ra mạnh và nới lỏng tín dụng (NHNN gần đây còn định mua TPCP như một hình thức bơm tiền ra thêm) thì đảm bảo chất lượng tín dụng và kìm cương lạm phát là bài toán khó, nếu giải không khéo thì có thể đẩy những vấn đề xấu lên như đối với bất động sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển