Gánh nặng học sinh xã 135 tại Hà Tĩnh: Thu nhiều để đạt chuẩn
Chưa được cấp trên phê duyệt nhưng xã vẫn thu
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã nêu trong hai bài viết "Hà Tĩnh: Gánh nặng các khoản thu với học sinh xã 135" và "Có dấu hiệu lạm thu ở cả 3 cấp học ở xã 135 tại Hà Tĩnh" nêu lên thực trạng các trường học tại hai xã 135 Cẩm Thịnh và Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh có nhiều khoản thu cao bất thường. Trong đó, xã Cẩm Minh các em học sinh còn phải đóng một khoản tiền xây dựng cho trường vì được UBND xã nhờ thu hộ và các khoản thu ngoài luồng khác cho nhà trường. Với hàng loạt khoản thu cao như trên nên nhiều gia đình có con đi học đã phải đi vay mượn để nộp tiền học cho con khiến tình cảnh khó khăn thêm khó khăn. Để tiếp tục làm rõ vấn đề trên phóng viên đã có các cuộc làm việc với những đơn vị liên quan.
Qua trao đổi vấn đề trên với Ông Trần Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh thì vị cán bộ này thừa nhận: “Chúng tôi đã có văn bản trình lên HĐND huyện Cẩm Xuyên phê duyệt về những khoản thu xây dựng học sinh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy huyện trả lời.
Chúng tôi thừa nhận, chưa được sự đồng ý, phê duyệt của HĐND huyện nhưng xã nhờ trường thu hộ tiền xây dựng học sinh là xã sai. Nếu không được thu thì chúng tôi chỉ thu nốt năm nay, còn năm sau sẽ không thu nữa. Chúng tôi sẽ gửi thông báo đến các nhà trường, để trường tổ chức họp phụ huynh trả lại tiền cho phụ huynh học sinh.”
Về mục đích thu số tiền trên, ông Khiên cho biết: “Sở dĩ xã thu tiền xây dựng học sinh là để giúp trường cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đảm bảo cho nhiệm vụ chi xây dựng, trả nợ công trình xây trường chuẩn theo yêu cầu của ngành giáo dục...”
Theo báo cáo Quyết toán thu – chi tài chính năm 2014 của xã Cẩm Minh đã thu khoản “Đóng góp xây dựng của học sinh năm học 2013-2014” đối với 839 học sinh từ mức từ 248.750 đồng đến 335.000 đồng/em được tổng 234 triệu đồng. Thực tế thì việc xã nhờ trường thu hộ đã được tiến hành hơn 2 năm học.
Theo người dân phản ánh, từ khi ông Khiên lên làm Chủ tịch xã người dân liên tục đóng góp để xây dựng các công trình. Các khoản thu hộ cho xã ở cấp học tiểu học và THCS mấy năm nay là để phục cho xây dựng trường mần non chứ con em họ không được hưởng từ khoản đóng góp này."
Thu nhiều để “đua” xây trường chuẩn và trả “thêm tiền” cho giáo viên
Để giải thích khoản thu xã hội hóa cao trong năm học này và những năm học trước, thầy Võ Tá Phùng – Hiệu phó Trường THCS Cẩm Thịnh cho biết: “Sở dĩ năm nay thu cao là bởi vì nhà trường có nhiều hạng mục xây dưng, tu sửa, mua sắm phục vụ tốt cho học sinh...”
Tuy nhiên, thầy Phùng cũng thừa nhận: “Mục đích thu cao là để xây dựng 100m tường rào, xây nhà vệ sinh giáo viên, xây hệ thống mương thoát nước.
Số tiền 1 triệu đồng, phụ huynh nhìn vào thì cao nhưng thực tế là không cao. Vì hiện tại trường đang cần vốn để đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất để phấn đấu cuối năm nay đạt danh hiệu trường “chuẩn”, nên số tiền đó cũng chẳng được bao nhiêu”.
Còn cô Lê Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thịnh cũng cho biết: “Năm học trước, trường cũng vừa được xã cho xây dựng, tu sửa nhiều hạng mục. Nhưng vì trường đang phấn đấu xây dựng để làm trường chuẩn Quốc gia nên năm học này trường phải huy động các khoản thu đó”.
Mặc dù đã liên lạc trước để làm việc với Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Thịnh vào chiều thứ 6 ngày 4/12 nhưng khi đến thì được biết hiệu trưởng và giáo viên toàn trường cho học sinh nghỉ học để đi đám cưới.
Theo quan sát, Trường Mầm non Cẩm Thịnh cũng đã được xây dựng khang trang. Các khoản thu cao như vậy không biết dùng vào mục đích gì?
Ông Phạm Đình Nông, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh cho biết: “Vốn hỗ trợ của Chính phủ cho xã 135 năm 2014 và 2015 chỉ được nhận 2 tỷ đồng. Tổng vốn hỗ trợ được nhân 2 năm 2014 và 2015 của xã chỉ được hơn 5 tỷ đồng.
Năm 2014 xã và huyện Cẩm Xuyên đã chi cho xây dựng trường, năm nay thì phải tập trung chi cho làm đường sá vì đường hư hỏng quá nhiều. Tôi mới nhận nhiệm vụ nên không rõ mức thu xã hội hóa mà HĐND xã phê duyệt cho các trường làm trường chuẩn theo yêu cầu của ngành giáo dục”.
Thiếu 3 phòng học nhưng lại xây nhà 2 tầng 6 phòng
Theo phóng viên được biết, Trường Mần non Cẩm Minh vừa mới được xây dựng 4 phòng học đa chức năng, các phòng học và phòng chức năng đầy đủ. Trường chỉ thiếu 3 phòng học. Hiện các phòng học khác vẫn đang sử dụng được.
Chỉ cần tu sửa thì các phòng học đó vẫn đủ tiêu chuẩn như phòng học đa chức năng. Nhưng trường lại được UBND xã cho xây dựng và đã gần hoàn thành nhà học 2 tầng với 6 phòng học.
Cô Lê Thị Đào, Hiệu trưởng Trường Mần non Cẩm Minh thừa nhận: “Trường có 9 lớp học, hiện chỉ thiếu 3 phòng học và 1 phòng hiệu phó (trường có 2 hiệu phó). Nếu xây dựng theo chuẩn 1 thì cần có nhà ăn. Khi hoàn thiện nhà 2 tầng sẽ chuyển 3 phòng học lên đó.
3 phòng học cũ thì dùng 2 phòng cải tạo thành nhà ăn, 1 phòng còn lại làm phòng hiệu phó. Xây nhà học đa năng 2 tầng hiện đại với 6 phòng mà trường đang xây là để tiến tới làm trường chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Cô Đào cũng cho biết, năm 2014 trường cũng vừa xây dựng mới đưa vào sử dụng nhà học 4 phòng trị giá gần 2 tỷ đồng vẫn đang sử dụng tốt. Nhưng hiện nay tiếp tục được chính quyền xã cho tiếp tục cho xây dựng Nhà đa chức năng với 2 tầng với 6 phòng học với trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, 6 phòng học này được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt xây dựng với nguồn vốn từ nguồn hỗ trợ xã 135 là 415 triệu đồng và nguồn nông thôn mới 810 triệu đồng, nguồn vốn huy động từ ngân sách xã 1,150 tỷ đồng nguồn thu và ngân sách của xã.
Số còn lại gần 2,8 tỷ đồng chủ đầu tư huy động nguồn vốn hợp pháp khác. Nhưng chính quyền nơi không biết vận dụng cách huy động “linh hoạt khác” mà lại chỉ biết “ép buộc” thu của người dân nghèo khó nơi đây.
Phải chăng việc đạt chuẩn cần thiết đến mức phải đè gánh nặng đóng góp cho các phụ huynh các xã 135 như vậy đã đúng chủ trương của ngành Giáo dục và chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh hay chưa? Trong khi người dân vùng 135 còn nhiều khó khăn lo ăn từng bữa phải nhờ sự trợ cấp của Chính phủ thì chỉ vì thành tích mà các trường và UBND xã đè gánh nặng này lên vai các phụ huynh học sinh là đúng hay sai cần câu trả lời sớm của chính quyền tỉnh Hà Tĩnh?
End of content
Không có tin nào tiếp theo