Phân tích

Gạo Việt xuất khẩu "lép vế" trên thị trường thế giới

(DNVN) - 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 4,47 triệu tấn, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7 về giá trị cho thấy gạo việt ngày càng lép vế trên thị trường thế giới.

Giảm về khối lượng và giá trị

Theo thông tin từ báo điện tử Nhịp cầu đầu tư, Xuất khẩu gạo tháng 9 theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 428.000 tấn, trị giá 177 triệu USD.Như vậy, tính đến hết tháng 9, khối lượng xuất khẩu gạo đạt khoảng 4,47 triệu tấn với giá trị 1,92 tỷ USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu đạt 430,87 USD/tấn, giảm 5,08% so với cùng kỳ năm 2014.

Các thị trường có sự giảm đột biến trong 8 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Phillipines (giảm 41,01% về khối lượng và giảm 44,69% về giá trị), Singapore (giảm 37,24% về khối lượng và giảm 34% về giá trị), và Hong Kong (giảm 29,37% về khối lượng và giảm 35,36% về giá trị).

Gạo Việt xuất khẩu đang dần lép vế trên thị trường thế giới.
Gạo Việt xuất khẩu đang dần lép vế trên thị trường thế giới.

Tin tức trên báo điện tử Vietnamnet, theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Với 4,1 triệu ha đất trồng lúa, trong đó vùng ĐBSCL chiếm 53% diện tích. Năm 2014, tổng sản lượng lúa xuất khẩu đạt 45 triệu tấn, xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn gạo, thu về 2,93 tỷ USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khó khăn dồn dập do sự cạnh tranh từ các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ, Campuachia,... Lý do cố hữu lâu nay khiến gạo Việt lép vế trên thị trường là do chưa có thương hiệu. Chưa kể, gạo Việt Nam không đồng đều về chất lượng, chủ yếu phân chia theo tỷ lệ tấm, thông dụng 5%, 15%, 25%.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn Thị trường và Ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn), cho biết: “Từ 65% thị phần nhập khẩu gạo Trung Quốc những năm 2012-2013, song đến 2014 Việt Nam chỉ còn 53%, hết 4 tháng đầu năm nay là 47%. Đối thủ thế chân Việt Nam chính là Thái Lan, Campuchia và Pakistan”, ông Kiên nói.

Thực trạng gạo Việt lép vế trên thị trường, đặc biệt là trước gạo Thái Lan, đã được giới chuyên gia chỉ ra nhiều lần. Trên tờ Zing, TS Pussadee Polsaram, Giám đốc Trung tâm chiến lược AEC (Thái Lan) cho biết, hiện Thái Lan có 250 thương hiệu quốc gia khác nhau cho các sản phẩm chất lượng từ trung bình đến cao.

Gạo thơm Thái Lan có lịch sử trên 100 năm bắt đầu từ nhà vua Rama. Để xuất khẩu gạo sang châu Âu, nhà vua Rama Đệ tứ đã chỉ đạo phải xây dựng thương hiệu gạo có phẩm cấp tốt, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho các giống gạo.

 

Xây dựng thương hiệu gạo

Áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt không chỉ là vấn đề giá, chất lượng mà là duy trì uy tín, lòng tin của thị trường thế giới.Năm 1959, nước này chính thức công bố các giống lúa gạo nổi tiếng gọi là Thai Hom Mali Rice, đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các loại gạo.

Theo TS Pussadee Polsaram, có 5 điều tạo sự khác biệt gồm tiêu đề thương hiệu, đảm bảo cho người đọc hiểu được sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan; tiêu chí về độ tinh khiết; mã vạch; nguồn gốc về bao bì; logo, màu sắc, nhận diện bao bì đều thể hiện sự thống nhất.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có một thương hiệu gạo quốc gia nào.

Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia muộn còn hơn không
Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia muộn còn hơn không.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khó khăn dồn dập bởi sự cạnh tranh từ những đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia... Lý do cố hữu lâu nay khiến gạo Việt lép vế trên thị trường là chưa có thương hiệu. Thực tế, điểm yếu nhất của gạo Việt Nam là thiếu đồng đều về chất lượng, chủ yếu phân chia theo tỷ lệ tấm, thông dụng 5%, 15%, 25%.

Giới chuyên gia tâm huyết với ngành lúa gạo Việt Nam đã nhiều lần phân tích, vạch rõ điểm yếu cố hữu của lúa gạo Việt Nam và chỉ ra đường đi nước bước để thay đổi, thế nhưng sau hàng chục năm, cái Việt Nam có được vẫn chỉ là danh hiệu nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, chủ yếu xuất thô, giá trị không cao.

 

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh phát biểu tại hội thảo mới đây về Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam cho biết,  lần đầu tiên có một đề án với ngành sản xuất rất quan trọng là lúa gạo, nhằm mục đích xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam có giá trị gia tăng cao.

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết muốn xây dựng được thương hiệu gạo cần giải quyết được khâu chọn giống, phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn, hệ thống đánh giá bộ tiêu chuẩn đó.

Từ đó, ông Khiêm đề xuất nên chọn lấy ba giống cơ bản để làm thương hiệu, như: Gạo đặc sản Việt Nam, gạo thơm Việt Nam, gạo chất lượng cao Việt Nam, từ đó có thể xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá để làm lên thương hiệu gạo Việt.

Song, ông Khiêm cũng lưu ý rằng, để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia thì cần phải phát triển được thị trường vì chính thị trường mới nuôi được thương hiệu.

Ngọc Huệ (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo