Gập ghềnh chuỗi cung ứng
Đó là nhận định chung tại Hội nghị Thượng đỉnh Chuỗi cung ứng 2012 “Thu mua - sản xuất - bán lẻ và phân phối” do Hiệp hội Chuỗi cung ứng Việt Nam tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh từ ngày 1 đến 3/10.
Nguy cơ tụt mắt xích nguyên liệu
Trước khi đến tay người tiêu dùng, một sản phẩm thường phải trải qua các khâu: nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhà sản xuất gia công, đơn vị vận chuyển, các cầu cảng, trung tâm phân phối, các cửa hiệu bán sỉ, bán lẻ. Đó là một chu trình khép kín, hoàn toàn được “can thiệp” bởi chuỗi cung ứng.
Nhìn vào hành trình đó, có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả ở đầu vào (thu mua nguyên liệu) và đầu ra (hàng tồn kho lớn).
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ trong chưa đầy 5 năm qua, đã có gần 1,7 triệu hộ nông dân bỏ nghề chăn nuôi (chủ yếu là chăn nuôi lợn, gà).
Nếu tính toán theo con số thống kê, trung bình mỗi hộ nuôi 3 con lợn, thì mỗi năm, cả nước đã bị giảm hơn 15 triệu con (tương đương hơn 10 triệu tấn thịt). Điều này chứng tỏ, đã có một thời gian dài, chăn nuôi của nông hộ bị “bỏ rơi”. Họ bỏ nghề vì hoạt động không hiệu quả, trong khi ngành chăn nuôi không có chính sách hỗ trợ hợp lý.
Hậu quả là, nguồn nguyên liệu phục vụ doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm luôn bấp bênh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Visan cho biết, mặc dù phương châm của các nhà sản xuất thực phẩm ngày nay là “sạch, an toàn từ trang trại tới bàn ăn”, nhưng khi mắt xích nguyên liệu bị chặt đứt, thì khâu sản xuất đương nhiên cũng bị cắt đứt khỏi chuỗi cung ứng.
Ông Mười cho biết, TP.Hồ Chí Minh có kế hoạch phát triển từ nguồn, nhưng kế hoạch này đã gặp phải một số vấn đề. Đơn cử với mặt hàng thịt lợn, TP.Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ, nên doanh nghiệp chỉ có thể làm được khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Doanh nghiệp lớn như Vissan chỉ nắm trong tay khoảng 40.000 con lợn, nên chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu của địa phương trong 3 - 4 ngày. Do vậy, sức huy động từ nguồn cung cả nước, cũng như hạ tầng chăn nuôi là vấn đề chính cần phải được giải quyết.
“Chiến lược lâu dài của công nghiệp thực phẩm là phải làm sao để nông dân nuôi lợn giảm được giá thành chăn nuôi, nuôi tập trung, phòng chống dịch bệnh, chủ động được con giống, khuyến khích nhà chăn nuôi hợp tác với nhà chế biến và ngược lại, ưu đãi cho doanh nghiệp chế biến đầu tư vào chăn nuôi”, ông Mười nói.
Hiện tượng mắt xích nguồn cung nguyên liệu có vấn đề không chỉ riêng ngành chăn nuôi, mà còn diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong một số lĩnh vực chế biến khác.
Hơn 1 năm qua, hiện tượng thương nhân nước ngoài vào Việt Nam thu mua nông sản diễn ra trên diện rộng và có chiều hướng ngày càng phức tạp.
Theo nhiều doanh nghiệp, tình trạng này có thể phá vỡ các quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến, đẩy giá các loại hàng nông sản lên mức cao bất thường, ảnh hưởng tới mặt bằng giá tiêu dùng trong nước và hoạt động của doanh nghiệp chế biến.
Liên kết với tập đoàn bán lẻ quốc tế
Thực tế, nhà sản xuất dù có tiềm lực tài chính dồi dào cũng khó tự mình xây dựng một chuỗi cung ứng riêng, mà cần phải hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp khác.
Các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới có mặt tại Việt Nam không chỉ giúp thị trường bán lẻ bớt lộn xộn, mà còn giúp cho sự liên kết trong chuỗi cung ứng được bền chặt hơn.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản tươi chất lượng cao cho thị trường nội địa”, do Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng 1 triệu USD. Trong đó, Quỹ Thách thức Việt Nam (VCF) hỗ trợ 250.000 USD.
Các hoạt động chính của Dự án bao gồm: xây dựng hệ thống nguồn thu mua cho trung tâm trung chuyển thủy hải sản tại Thành phố Cần Thơ; áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Metro (Metro GAP) đối với một số sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt; đầu tư hệ thống khuyến nông; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng cho thị trường nội địa; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm và hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững.
Trong quá trình thực hiện Dự án, có 290 nông hộ nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được đào tạo áp dụng tiêu chuẩn Metro GAP cho một số sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Đến nay, 70 nông hộ đã đạt chứng nhận này.
Ông Bart Verheyen, Giám đốc Thu mua và Mại vụ thực phẩm (Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam) cho biết: “Đây là lần đầu tiên, một công ty bán lẻ thực phẩm tự đầu tư phát triển chuỗi cung ứng bằng cách kết nối sự tham gia của những người nuôi nhỏ lẻ vào dây chuyền cung ứng nhằm phục vụ người tiêu dùng nội địa”.
Xu hướng đưa hàng vào siêu thị
Những doanh nghiệp sản xuất nhỏ và siêu nhỏ thường trực tiếp tự bán lẻ sản phẩm của mình. Còn với những nhà sản có quy mô trung bình và lớn, sản phẩm được tiêu thụ qua bên trung gian là các nhà phân phối, bán lẻ.
Xét riêng với thị trường Việt Nam, cả hai cách đều phù hợp. Mặc dù một số lãnh đạo hiệp hội ngành hàng cho rằng, phương thức thông qua khâu trung gian hiện yếu thế hơn, song về lâu dài, phương thức này phù hợp hơn, vì tính chuyên nghiệp, ổn định đầu ra, tiết kiệm chi phí.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện phát ngôn của Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Cường, chuyên chế biến và xuất khẩu thủy - hải sản cho biết, do xuất khẩu khó khăn, Công ty đang đẩy mạnh hoạt động tại thị trường nội địa. Đến nay, hai mặt hàng tôm và cá ba-sa của Công ty đã có mặt tại các siêu thị như Co.opMart, Maximark…
“Chúng tôi cung cấp hàng hóa theo nhu cầu của siêu thị đặt hàng. Do hàng bình ổn cũng có giá thấp hơn ngoài thị trường 5 – 10% nên sức mua khá ổn định”, bà Hà nói.
Thực tế, việc đưa hàng vào chuỗi cung ứng siêu thị, trung tâm thương mại cũng có hai mặt.
Đại diện Công ty May 28 (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, thay vì cung cấp hàng cho siêu thị bán, Công ty chọn giải pháp thuê hẳn gian hàng bán tại siêu thị, trung tâm thương mại. Hiện Công ty có gần 40 cửa hàng đặt tại các siêu thị lớn ở TP.Hồ Chí Minh.
“Các doanh nghiệp mới tham gia thị trường hoặc vừa tung ra sản phẩm mới nên tìm cách đưa hàng vào siêu thị, vì đây là kênh quảng bá rất hữu hiệu đến người tiêu dùng”, vị đại diện này nói.
Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất, việc đưa hàng siêu thị không phải lúc nào cũng dễ dàng. Các siêu thị thường ưu tiên cho nhà cung cấp có mức giá tốt nhất, chọn hàng hóa của những doanh nghiệp có thương hiệu...
Đó là chưa kể, các nhà bán lẻ thường có quan hệ chặt chẽ với các nhà xuất nhập khẩu, các đại lý từ trước, họ tin tưởng khi mua hàng của nhà xuất nhập khẩu hơn là mua hàng trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất, dù mua hàng trực tiếp từ sản xuất rẻ hơn.
Hơn nữa, nhà xuất nhập khẩu bán rất nhiều mặt hàng, nhà bán lẻ cũng cần mua nhiều hàng, trong khi doanh nghiệp sản xuất chỉ bán vài món hàng.
Theo TS. Eckart Dutz, thành viên Hội đồng Cung ứng Việt Nam (thuộc Hội đồng Cung ứng toàn cầu), để lọt vào mắt các siêu thị, nhà sản xuất nên tung ra những sản phẩm có nét đặc sắc, độc quyền...
không thể thay thế bởi hàng của các nhà sản xuất khác; cần nâng cao uy tín và niềm tin với các vị trí khác trong chuỗi cung ứng, trong đó quan trọng nhất là giữ uy tín với người tiêu dùng; sản phẩm phải có giá cạnh tranh.
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
22% trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025 có nguy cơ chậm trả nợ gốc
'Bệ phóng' AI giúp doanh nghiệp tài chính ngân hàng tăng tốc
Ngành công thương Hà Nội duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ
Giá vàng ngày 11/1/2025: SJC chính thức vượt mốc 86 triệu đồng
Chống lãng phí đất đai - Bài 1: Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang
Giá ngoại tệ ngày 11/1/2025: USD tăng mạnh, Index gần chạm mốc 110