Pháp luật

Gây thất thoát trăm tỉ đồng, “sếp” ngân hàng hầu tòa

Để nhận tiền “lót tay” của doanh nghiệp, một số cán bộ Agribank chi nhánh 3 đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình ký duyệt các bộ hồ sơ khống xin vay vốn, giúp kẻ lừa đảo chiếm đoạt gần 112 tỉ đồng.

Ngày 6-12, Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – chi nhánh 3 TPHCM (viết tắt là Agribank – CN3) ra xét xử. Theo đó, 8 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm có 4 cán bộ ngân hàng, 4 giám đốc công ty bị truy tố với hàng loạt tội danh. Bị cáo Đới Sỹ Thúy (55 tuổi, nguyên Giám đốc Agribank – CN 3) bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Các bị cáo Nguyễn Hữu Long (46 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Agribank – CN3), Đào Phương Thế (45 tuổi, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Agribank – CN3) Huỳnh Trung Hiếu (29 tuổi, nguyên cán bộ tín dụng) cùng bị truy tố về hai tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Liên quan đến vụ án, nhóm giám đốc các doanh nghiệp gồm: Trần Hữu Thiện (29 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Nhà đất Xuân Lan), Đặng Ngọc Minh (31 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM DV VT Trọng Bằng), Phạm Thị Được (46 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Trường Vinh), Nguyễn Minh Thuần (26 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Tài Thuận Phát) cùng bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, Trần Quốc Dân là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phương Uyên (hiện đã bỏ trốn). Trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2010, với mục đích sử dụng pháp nhân để vay vốn ngân hàng, Dân đã đứng ra thành lập nhiều công ty, thuê người đứng tên làm giám đốc. Sau khi có pháp nhân, lợi dụng mối quan hệ quen biết với một số cán bộ Agribank – CN3 như Nguyễn Hữu Long, Dân đã lập ra những hợp đồng kinh tế, phương án vay, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở giả mạo để lập hồ sơ xin vay vốn.

Biết rõ các công ty trên đều do Dân thành lập, hồ sơ là giả mạo, số tiền Dân vay thực chất không phải để tiến hành phương án kinh doanh mà phần lớn để trả nợ…nhưng Nguyễn Hữu Long vẫn chỉ đạo Huỳnh Trung Hiếu và Đào Phương Thế không cần tiến hành thẩm định xác minh theo quy định mà cứ lập báo cáo, đề xuất cho vay trình Long và Hội đồng tư vấn tín dụng trong đó có Đới Sỹ Thúy xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, lợi dụng việc được Đới Sỹ Thúy giao nhiệm vụ giải quyết, Long đã chấp nhận giải ngân cho các hồ sơ vay vốn của Dân.

Bằng những hành vi trên, Long cùng đồng phạm đã tiếp tay cho Trần Quốc Dân vay và chiếm đoạt của Nhà nước tổng cộng 111,88 tỉ đồng. Đổi lại sự “giúp đỡ” trên, Trần Quốc Dân đã “lót tay” cho Nguyễn Hữu Long tổng cộng 31,5 triệu đồng, Thế nhận 6.000 USD và Hiếu là 3 tỉ đồng và 4.000USD.

Riêng Đới Sỹ Thúy đã có sai sót trong quá trình ký duyệt hồ sơ cho Công ty TNHH TM DV VT Trọng Bằng vay 40 tỉ đồng nên bị cáo phải chịu trách nhiệm với hành vi trên.

Bốn Giám đốc “dỏm” gồm Đặng Ngọc Minh, Trần Hữu Thiện, Phạm Thị Được, Nguyễn Minh Thuần đã có hành vi ký hợp đồng, báo cáo tài chính khống tiếp tay cho Dân chiếm đoạt tiền của ngân hàng nên cũng bị truy tố.

Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 7-12.

 

 

Thái Bình (Theo NLĐ)

 


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo