GDP quý I/2015 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm
Kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2015 chuyển biến tích cực
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, sau 4 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Ngoài số liệu tăng trưởng GDP quý I có mức phục hồi rõ rệt, thu ngân sách cũng đạt khá. Tỷ lệ lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,1% so với tháng 12 năm 2014. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 0,93%, bình quân 3 tháng đầu năm tăng 0,74%. Chỉ số giá tiêu dùng Quý 1/2015 tăng thấp, trong đó, lần đầu tiên sau 8 năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 và tháng 2 giảm so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước cho thấy các tín hiệu tích cực về tăng tổng cầu. Lãi suất tiếp tục giảm, đến nay điều chỉnh tỷ giá tăng 2% đã sử dụng hết mục tiêu định hướng cả năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng khoảng 0,94% (cùng kỳ năm 2014 tăng 2,7%). Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1,25%, trong khi đó cùng kỳ năm 2014 giảm 0,57%.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định và tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 2,35% so với cùng kỳ và bình quân quý 1/2015 tăng 2,38% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Vinh cũng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước quý 1/2015 đạt khoảng 226 nghìn tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 173,19 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1%.
Thu từ dầu thô đạt 16,63 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% (2014: 30,6%). Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,2% (2014: 23,5%).
Trong khi đó, trong quý đầu tiên của năm, tổng mức chi NSNN khoảng 263,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán (cùng kỳ năm 2014: 23,1%). Còn mức chi cho đầu tư phát triển 21% dự toán, chi trả nợ và viện trợ đạt 24,8%, chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước đạt 24,1%.
Khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tăng trưởng chưa thực sự bền vững do tác động về giá dầu thô ở mức thấp. Tăng trưởng quý I do yếu tố chính là đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng (khai thác dầu thô, than đá), trong khi đó mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước. Một số chính sách hỗ trợ sản xuât nông nghiệp, đóng tàu đánh bắt thủy sản, nhà ở cho người thu nhập thấp... được cho là đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước nhưng triển khai chậm chạp, gặp nhiều vướng mắc. Chất lượng nguồn lao động chưa cải thiện nhiều, vẫn thiếu hựt lao động có trình độ cao.
Một số ý kiến cũng lo ngại về xu hướng nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm 2015, 4 tháng đã nhập siêu 3 tỷ USD tương đương khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội là 5%, trong đó có nguyên nhân do kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản giảm 15,8% so cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chịu sự tác động từ sự sụt giảm của giá cả hầu hết hàng hóa trên thế giới, trong đó có cả những hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế.
Nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, trong năm 2015, dự báo nghĩa vụ trả nợ ở mức cao.
Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước còn chậm nên khó có thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015. Chủ trương thực hiện liên kết vùng do thiếu giải pháp cụ thể, có tính bắt buộc nên kết quả đạt được chưa cao, hiệu quả chưa rõ nét...
Theo Bộ trưởng Vinh, nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2015 có rất nhiều thách thức, nếu không tháo gỡ được mạnh mẽ các khó khăn thì tăng trưởng cả năm khó có thể đạt cao được, hướng tới đạt 6,5% cũng không phải đơn giản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh