Thị trường

GDP Việt Nam tăng 5,42% nhờ đâu?

Hãng tin tài chính Bloomberg nhận định nền kinh tế Việt Nam năm 2013 tăng trưởng nhanh chóng phần lớn là do sản lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng cao.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam năm 2013 đạt 5,42%. Ảnh: Bloomberg.

Theo số liệu được công bố bởi Tổng cục Thống kê ngày 23/12, GDP của Việt Nam trong quý IV tăng 6,04% so với cùng kì năm ngoái. GDP cả năm 2013 đạt 5,42%, cao hơn mức 5,25% của năm 2012 và cao hơn mức 5,3% theo nhận định của Bloomberg.

Trong đó, nhóm ngành dịch vụ, chiếm 43% GDP, tăng 6,6%. Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, chiếm 38% GDP, chỉ tăng 5,4%.

Fiachra MacCan, Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi. Xuất khẩu hiện là động lực phát triển kinh tế chính, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất”.

Hãng tin tài chính Bloomberg cho rằng việc các hãng sản xuất nước ngoài như Samsung Electronics hay Nokia Oyj thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam chính là nhân tố giúp xuất khẩu của Việt Nam năm 2013 tăng 15,4%.

Nhà kinh tế học Eugenia Victorino của Ngân hàng Australia & New Zealand nhận định: “Khu vực Mekong, đặc biệt là Việt Nam, trở thành trụ sở sản xuất chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia”.

Tiền lương và các chi phí khác tăng cao tại Trung Quốc đã khiến các công ty chuyển dần các nhà máy sản xuất sang các quốc gia láng giềng tại châu Á. Samsung, hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đang xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD. Khi hoàn thành nhà máy này vào năm 2015, Samsung có thể sản xuất khoảng 120 triệu thiết bị cầm tay một năm.

Xuất khẩu chính là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013. Ảnh: Bloomberg.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng trưởng của Việt Nam phần lớn là nhờ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của cả nước tăng lên 75% trong năm 2012 từ 56% năm 2009.

Tổng cục Thống kê cho biết Việt Nam đã được hưởng 11,5 tỷ USD số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2013, tăng 10% so với năm ngoái. Số vốn FDI cam kết là 21,6 tỷ USD, tăng 55% so với năm 2012.

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực yếu kém nhất của Việt Nam. Ngân hàng Trung ương cho biết tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 9% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu 12% đặt ra hồi đầu năm. Ngân hàng Trung ương cũng cắt giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 7% từ 15% hồi đầu năm 2012.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lập kế hoạch hoàn thiện cải cách doanh nghiệp nhà nước tới năm 2015 và đã thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vào ngày 26/7 với mục tiêu xử lý 40.000-70.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng trong năm 2013.

Lạm phát tăng lên 6,04% trong tháng 12/2013. Chỉ số VN-Index tăng 0,6% trong ngày 23/12. Tính cả năm 2013, VN-Index đã tăng 22%, mức tăng lớn nhất trong số các chỉ số trong khu vực Đông Nam Á.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 5,4% vào năm 2014.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo