Ghi nhận từ độ cao 3.000m: Đâu là sự thật?
Chúng tôi đã được nghe dư luận phản ánh rất nhiều thông tin liên quan đến việc dự án vẫn đang triển khai trên đỉnh núi Hoàng Liên, gây ảnh hưởng môi trường và tác động không tốt tới không gian du lịch trên đỉnh Fansipan. Nhằm làm rõ những thông tin mà bạn đọc phản ánh, trong các ngày 25-26.1, PV Báo Lao Động đã lên đỉnh Hoàng Liên để tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra tại đây.
Không dừng thi công như cam kết
Tại cao độ 3.000m, nơi thấp hơn “nóc nhà Đông Dương” 143m, đường đi của dân phượt bất ngờ bị ngăn cách bởi thác đá. Gọi là thác bởi bờ vách có độ nghiêng gần như dựng đứng, phân chia rõ hai bờ. Những người dẫn đường cho biết thác đá này mới hình thành từ tháng 8.2014, khi có đơn vị cáp treo tiến hành nổ mìn phá đá. Từ khi có công trường này, lối mòn đường rừng vốn chỉ vừa đủ cho hai người tránh nhau nay được mở rộng gần 10 mét, phân chia rõ hai bờ.
Qua khỏi mốc 3.000m chúng tôi thấy công trường của dự án cáp treo với ba ngôi nhà lợp tôn cùng hàng loạt máy móc thi công... Công trường trên đỉnh cao này nằm trên khu đất đã san lấp tương đối bằng phẳng. Được biết, để có công trường này, hàng chục nghìn cây trúc lùn trên diện tích 3.500m2 đã được phá bỏ (con số được hạt kiểm lâm Trạm Tôn cho biết - PV).
Nhìn từ độ cao gần chóp đỉnh Fansipan xuống là cả công trường đang nhộn nhịp thi công. Từ điểm cao này có thể nhìn rõ ba cột cáp treo vươn lên hướng về phía Sa Pa. Dưới chân cột cáp treo có thể thấy rõ 4 mái tôn lợp màu trắng, xanh, đỏ. Tại công trường này, nhìn từ xa thấy nhiều công nhân đội mũ vàng đang xuất hiện bên một hố móng. Nhìn từ xa có thể thấy rõ các máy móc như cần cẩu, máy trộn bê tông dựng đầy các khoảng không trước mặt ba ngôi nhà lợp bằng mái tôn.
Theo lối mòn xuống thấp hơn vị trí công trường này chúng tôi gặp tốp thợ đeo bộ đàm liên lạc. Tại đây khi ngẩng đầu lên đã thấy hai đường cáp vận chuyển vật liệu. Đá dăm, xi măng sau khi được tập kết về điểm cao 2.800m sẽ được dùng ròng rọc vận chuyển lên công trường. Để vận chuyện bao xi măng nặng 50kg từ Trạm Tôn lên đỉnh cao 2.800m, nhà thầu trả cho người khuân vác số tiền 250.000 đồng.
Tại điểm có cáp ròng rọc đi qua, nhân viên cầm bộ đàm liên tục nhắc nhở khách du lịch đi qua thật nhanh. Mỗi khi có khách du lịch đưa máy ảnh về phía công trường đang xây dựng thì lập tức bị nhân viên ở đây áp sát yêu cầu không chụp ảnh. Đi tiếp khỏi địa điểm có hai đường dây cáp ròng rọc lại gặp tiếp nhân viên đi tuần tra. Nhân viên ở điểm dưới này liên tục nhận được lệnh từ bộ đàm ở phía trên giám sát chặt chẽ khách du lịch có cầm máy ảnh theo người. Vụ việc nêu trên hoàn toàn trái ngược với những điều mà phía chủ đầu tư khi đến làm việc với Báo Lao Động (ngày 23.1) từng khẳng định rằng: Đã ngừng thi công để chờ đủ thủ tục(?).
Dùng mìn phá đá trên đỉnh Hoàng Liên
Theo những công nhân đang thi công các trụ cột điện, những người dẫn đường leo đỉnh Fansipan, từ tháng 8.2014 vào giữa trưa hoặc chiều tối họ liên tục nghe thấy những tiếng nổ mìn chói tai. Trước khi nổ mìn, các chốt công nhân thi công được báo để ngăn không cho người vào khu vực nổ mìn.
Một công nhân thi công trụ cột điện nói rằng khi nổ mìn, đá vung vãi rất khó xác định vị trí đá rơi. Khi nổ mìn tại các chóp núi làm cột điện, trụ cáp treo thì công nhân thường thu dọn những tảng đá có kích thước vừa hoặc nhỏ để đập vụn trộn bê tông, còn những tảng đá lớn muốn thu dọn cũng rất khó. Tại thác đá, có những tảng đá có chiều ngang gấp 4 - 5 lần thân người, với độ nghiêng lớn thì chỉ còn cách chèn các tảng đá nhỏ để hạn chế đá rơi. Vào những ngày mưa, đất trơn trượt thì khó kiểm soát vị trí các tảng đá, dễ gây ra những vụ đá lăn.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh - GĐ vườn quốc gia Hoàng Liên kiêm Hạt trưởng kiểm lâm Hoàng Liên - cho biết, từ tháng 5.2014, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt quyết định đề án cho thuê môi trường rừng để xây dựng quẩn thể du lịch văn hóa, cáp treo, khách sạn. Theo đề án này, diện tích cho thuê lên tới 53,3ha, trong đó diện tích đất rừng chiếm gần 30ha. Hạt trưởng kiểm lâm Hoàng Liên xác nhận dự án cáp treo dùng mìn nổ đá. Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, việc nổ mìn chủ đầu tư phải xin giấy phép từ tỉnh và có sự giám sát chặt chẽ của kiểm lâm Hoàng Liên. Điều này cũng hoàn toàn khác với điều chủ đầu tư khẳng định với Báo Lao Động rằng không có việc nổ mìn phá đá trong quá trình thi công trên đỉnh Hoàng Liên.
Trả lời câu hỏi về hiện tượng hàng loạt cây đỗ quyên đổ gãy do đá lăn từ công trường xuống. Ông Vĩnh nói rằng nguyên nhân bắt nguồn do thời tiết, do mưa, gió mạnh, công nhân của dự án cáp treo chằng, chắn các kè đá không kỹ khiến đá rơi. Được hỏi về số cây đỗ quyên bị đá văng đốn gãy, ông Vĩnh đưa ra con số chỉ vỏn vẹn 6 cây. “Khi sạt lở đá, cán bộ kiểm lâm đến thống kê, lập biên bản xử phạt 6 cây đỗ quyên gãy đổ. Bởi theo quy định tiêu chuẩn cây gỗ thì đường kính phải đủ trên 10cm, và chỉ có 6 cây đỗ quyên bị đá đốn ngã đủ tiêu chuẩn này. Số còn lại vì chưa đủ tiêu chuẩn gỗ nên không thống kê”, Hạt trưởng kiểm lâm Hoàng Liên nói (?).
Với vi phạm làm đá lở, hủy hoại cảnh quan môi trường và làm gãy đổ 6 cây đỗ quyên như đã nêu trên, đơn vị thi công là một Cty thuộc Tổng Cty Licogi đã bị phạt 20 triệu đồng. Tuy nhiên, từ lúc bị xử phạt từ tháng 8.2014 tới nay đơn vị này vẫn chưa khắc phục xong. Theo ông Vĩnh, để khắc phục thác đá, chủ đầu tư hứa sẽ tạo lối đi an toàn bằng cách xây dựng cầu treo. Tuy vậy, việc xây cầu treo được tiến hành khi nào thì Hạt trưởng kiểm Hoàng Liên cũng không nắm được.
Lý A Sử (người dẫn đường leo Fansipan của Cty Khám phá Việt) lại khẳng định, trước khi có thác đá thì khu vực này um tùm cây đỗ quyên. Khi đó, người leo núi men theo những thân cây đỗ quyên leo lên đỉnh núi... Còn trong ký ức của người dẫn đường Giàng A Di thì thác đá ở độ cao 3.000m, vào tháng 4 mùa hoa đỗ quyên nở tuyệt đẹp. Bản thân ông Nguyễn Quang Vĩnh - GĐ vườn quốc gia Hoàng Liên - cũng xác nhận nếu lên đỉnh Fansipan theo hướng Trạm Tôn thì mốc 3.000m là một trong hai khu vực nhiều cây đỗ quyên nhất. Còn hiện tại, khu vực này bên trên chỉ trơ trọi những vách đá, bên dưới đất xới tung, dưới vực sâu nằm lại la liệt những thân cây đỗ quyên bị đá vùi lấp. Điều này cho thấy môi trường thiên nhiên đang bị xâm hại một cách gấp gáp mà không hề được bảo vệ theo quy định của vườn quốc gia.
Với những điều mắt thấy tai nghe, với thông tin từ khách du lịch phản ánh… rồi hiện trường thi công ồn ào, gấp gáp từ trên các công trường của dự án cáp treo Fansipan, chúng tôi tin rằng các cấp chính quyền huyện Sapa, các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Lào Cai cũng như các cấp lãnh đạo của tỉnh Lào Cai không thể bỏ mặc trách nhiệm, để cho nhà đầu tư và đơn vị thi công tàn phá môi trường sinh thái trên đỉnh núi Hoàng Liên.
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo