Giá ba cây huê có thể lên đến nghìn tỷ
Vì sao chậm trễ ?
Một đầu nậu nhỏ lẻ trong vùng (gọi là xâu) có tên Ch. tiết lộ: Con số trăm tỷ lâu nay mọi người vẫn nói đến chỉ là giá bán của lô hàng lẻ và xấu. Thực tế lô hàng đẹp lên đến hơn 300 phiến gỗ dài trên 2m, có mặt rộng từ 0,4 đến 1,2m vẫn chưa được giao dịch, hoặc chỉ giao dịch lẻ tẻ ở trong rừng vì các đầu nậu không đủ tiền mua cả lô một lần.
“Với giá từ hai triệu đến cả trăm triệu đồng/kg tùy loại gỗ tốt xấu, nếu tất cả được mua bán trót lọt thì giá của ba cây huê này lên đến cả nghìn tỉ đồng, thậm chí hơn” - ông Ch. khẳng định.
Một lãnh đạo của xã Phúc Trạch cho biết: Cả 11 người trúng huê đều là dân trong xã nên ông nắm rất rõ vụ việc. Nhóm lâm tặc này còn đánh tiếng nếu lãnh đạo xã vào rừng sẽ được biếu gỗ để mang về.
Trong số cán bộ xã đã có hai người đi, nhưng được cho bao nhiêu gỗ thì không thấy tiết lộ. Vị này còn cho biết, ông đã chứng kiến một chuyến xe ô tô chở két sắt loại to nhất về giao tại nhà cho 11 người trong nhóm trúng huê.
Đến thời điểm này, H (người phát hiện ba cây huê, đồng thời là trưởng nhóm) đã được chia 110 tỷ đồng. Mặc dù vậy gỗ ở trong rừng vẫn chưa bán hết.
Vị lãnh đạo này cũng bày tỏ bức xúc vì sự vào cuộc chậm trễ, thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng trong vụ ba cây huê nói trên. “Đến như tôi còn nắm rõ tên tuổi của các lâm tặc và đầu nậu; ngay cả ngày, giờ chính xác gỗ ra khỏi rừng tôi cũng biết thì huống chi các cơ quan chức năng, nhưng không hiểu sao họ không làm.
Chí ít thì cũng nên khởi tố vụ án để yên lòng dân trước đã, về sau có khởi tố bị can hay không thì tùy vào đó, đằng này...” - vị lãnh đạo xã nói.
Ngày càng nóng
Lãnh đạo các xã lân cận cho biết, ngoài việc người dân bỏ làng kéo nhau vào rừng theo vụ ba cây huê, thì thời gian gần đây trên địa bàn xuất hiện nhiều kẻ lạ mặt, mang theo cả hàng nóng.
PV cũng đã bị một nhóm gần chục đầu gấu, đi xe máy bám sát khi về nắm tình hình trong vùng. Nhóm người này giả vờ hỏi dò PV, rồi có lời lẽ đe dọa và không ngần ngại công bố là đến đây để bảo kê cho nhóm người gùi huê từ rừng ra.
Một lâm tặc vừa từ rừng ra cho biết: Tình hình ở hiện trường ngày càng nóng. Ngoài sức ép của hàng ngàn người dân luôn kiên trì xin xỏ, và hôi của khi có thể, còn hiện diện rất đông các băng nhóm đầu gấu có hàng nóng từ nhiều tỉnh kéo về.
Nhóm thì được thuê để bảo vệ hàng, nhóm thì cố tình vào để cướp hàng nên đã có đụng độ và súng đã nổ, tuy nhiên đang ở dạng ra oai dọa nhau.
Theo nguồn tin riêng của PV, lô hàng 100 tỷ đã ra khỏi rừng trót lọt vào tối 1/5 và đang được cất giấu ở Đồng Hới. Trước sức ép của người dân và các băng nhóm đầu gấu, nhóm lâm tặc 11 người trúng huê đã không còn kiên nhẫn đoàn kết để bảo vệ hàng mà họ đã chia đều số gỗ cho từng người trong nhóm. Mỗi người có quyền quyết định số phận lô hàng của mình.
Nguồn tin tỏ ra lo ngại sẽ có tranh chấp gay gắt xảy ra khi người dân và các băng nhóm không còn đủ kiên nhẫn trước một món tiền khổng lồ. Những người trúng huê đang cố giữ phần hàng của mình để bán lẻ ngay trong rừng.
Hiện trường ba cây huê
Trong lòng réc, có mạt cưa, lá cây huê . |
Ngày 28/4, đoàn công tác của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng gồm 80 người, do ông Nguyễn Văn Huyên – Phó Giám đốc - chỉ huy đã có báo cáo về chuyến kiểm tra tại hiện trường 3 cây huê.
Bản báo cáo viết: Quãng đường đi đến địa điểm ba cây huê bị khai thác hơn 20km tính từ cửa rừng, địa hình hiểm trở, dốc đá tai mèo, không có khe nước. Thời gian cả đi lẫn về liên tục trong bốn ngày.
Trên đường đi, đoàn gặp hàng trăm người dân cả ra lẫn vào. Xung quanh khu vực khai thác, đoàn phát hiện rất nhiều các nhóm từ ba đến năm người (có mang dao) nhằm uy hiếp và đuổi những người dân đến gần khu vực quan trọng.
Địa điểm khai thác có tọa độ (0621099, 1941718). Kiểm tra trên bản đồ khu vực này chính là hung Trí, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nằm trên địa bàn xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.
Hiện trường vụ khai thác nằm giữa hai vách đá dựng đứng tạo thành lòng một con réc (khe nhỏ) cạn, có độ cao so với mặt nước biển 731m.
Hiện trường vụ khai thác nằm giữa hai vách đá dựng đứng tạo thành lòng một con réc (khe nhỏ) cạn, có độ cao so với mặt nước biển là 731m. Ở giữa lòng con réc cạn có một bãi bằng, diện tích chừng 80m2 chứa nhiều bài, vai, vỏ, giác, mạt cưa, lá của cây gỗ huê, độ dày lên đến 0,4m. |
Tại đây phát hiện ba hố đào bới sâu, tổng diện tích thiệt hại do các đối tượng khai thác gây ra là 563m2. Ở giữa lòng con réc cạn có một bãi bằng, diện tích chừng 80m2 chứa nhiều bài, vai, vỏ, giác, mạt cưa, lá của cây gỗ huê, độ dày lên đến 0,4m.
Tang vật thu được gồm: một cân bàn loại 100kg; hai xích cưa đã hỏng loại 1,2m; xoong nồi, bao đựng nước... Qua kiểm tra cho thấy ba hố để lại là các hố bị lâm tặc đào bới lấy gốc và rễ huê.
Trong đó, có một hố của cây huê khô mục, hai hố còn lại là các gốc huê còn sống. Tất cả gỗ đã bị tẩu tán nên đoàn không có cơ sở để xác định khối lượng gỗ. Theo dấu vết để lại, dự đoán ba cây huê bị chặt hạ trước đó khoảng một tháng.
Trong lúc chuẩn bị rút khỏi hiện trường, người dân đã lũ lượt kéo đến càng lúc càng đông nằm ngoài sự kiểm soát của đoàn kiểm tra. Nhận định tình hình phức tạp, đoàn rút khỏi hiện trường để đảm bảo an toàn lực lượng.
Đoàn kiểm tra nhận định: Thời điểm thích hợp, các đầu nậu sẽ thuê người dân gùi qua các đường như, đường hung Nha (20km), động Thiên Đường (12km), vực Trô (10,6km), bản Ón của người Rục (25km), Chà Nòi (9,4km), vượt biên giới Việt - Lào (24km)...
Địa hình ở đây rất hiểm trở, chỉ có lâm tặc và dân đi rừng chuyên nghiệp mới có thể thích nghi, nên việc vây bắt của lực lượng chức năng ngay trong rừng là không khả thi.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo