Giá cả bắt đầu tăng theo xăng, điện
Sắp có mặt bằng giá mới
TP- Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lo ngại: “Việc tăng giá điện, xăng sẽ tác động dây chuyền sang các mặt hàng tiêu dùng khác, đến bà bán nước chè, hay ông xe ôm cũng tăng theo”.
Tăng giá chỉ khổ người nghèo, thức ăn thì ngộ độc, khẩu phần ăn ít đi, ảnh hưởng đến tái tạo sức lao động giản đơn của họ, từ đó ảnh hưởng nền kinh tế. Người dân hoa mắt trước nhiều nhóm hàng tăng giá như sữa, điện, xăng dầu, viện phí... Ông Vũ Vinh Phú nói |
Theo ông Phú, mặt bằng giá mới chắc chắn sẽ được thiết lập trong thời gian tới. Tuy nhiên, những mặt hàng đề nghị tăng giá, siêu thị cần phải đàm phán, phân tích kỹ giá thành từ việc giá điện, xăng tăng bao nhiêu là hợp lý. Mặt khác, siêu thị phải tìm nhà cung ứng mới để có sự cạnh tranh. “Cần cảnh giác với các nhà cung ứng, có thể giá không tăng, nhưng họ “ăn bớt” về trọng lượng, mẫu mã”- ông Phú nói.
Theo ông Phú, các cơ quan chức năng nói việc tăng giá điện khiến tăng 0,15% CPI, nhưng trong thực tế có thể tăng đến 0,6-0,7% cuối tháng 8 này. “Tăng giá điện phải có lộ trình trước, để người dân, doanh nghiệp còn kế hoạch hạch toán kinh doanh. Chứ tăng kiểu đánh úp, giật cục như vậy, rất khó cho người dân, doanh nghiệp; ảnh hưởng đến hợp đồng đã ký” - ông Phú nói.
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch cho biết, ngoài thép, xi măng, có lẽ thức ăn chăn nuôi cũng là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc tăng giá xăng, điện. Theo ông Lịch, giá điện tăng 5%, cũng như giá xăng dầu tăng trước đó, có thể đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng 3-5% trong thời gian tới. Theo đó, giá thịt gia cầm, gia súc chắc chắn sẽ tăng lên tới đây.
Ông Lịch cho hay, vừa rồi, do 2 nguyên liệu nhập khẩu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi là khô dầu đậu tương giảm (khoảng 10% so tháng trước), và ngô vẫn giữ giá, nên thức ăn chăn nuôi có thể chưa tăng ngay. Tuy nhiên, có thể cuối tháng 8 này, giá thức ăn chăn nuôi có thể tăng khoảng 200 đồng/kg. “Người chăn nuôi đang trong giai đoạn khó khăn chồng chất, thua lỗ do giá xuất chuồng thấp. Lần này, việc giá thức ăn tiếp tục lên, người nuôi khó trụ vững”- ông Lịch nói.
Chợ tăng, siêu thị rục rịch
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội như Thành Công (Đống Đa), Nghĩa Tân, Dịch Vọng (Cầu Giấy), Đồng Tâm (Hai Bà Trưng)... giá các mặt hàng tiêu dùng đang tăng, đặc biệt là nhóm rau xanh. Theo các tiểu thương, hầu hết các mặt hàng tăng khoảng 3.000-4.000 đồng/mớ (kg). Một số loại rau gia vị như kinh giới, tía tô, rau húng... từ 400-500 đồng/mớ tăng lên 2.000-2.500 đồng/mớ, gấp 4-5 lần ngày thường.
Chị Hòa, một tiểu thương bán rau ở chợ Nghĩa Tân cho biết, mấy ngày vừa rồi mưa bão, nhiều vùng cung cấp rau bị ngập úng, nên giá rau tăng cao. “Ít nhất là nửa tháng khi các vùng rau khôi phục sau ngập úng. Tuy nhiên, giá xăng, điện cứ tăng liên tiếp như vậy, giá hàng tiêu dùng tăng lên nhưng khó giảm sâu như ban đầu được” - chị Hòa nói. Không chỉ rau xanh, giá thịt trong mấy ngày qua cũng tăng lên khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg. Tại các chợ, hiện giá thịt lợn ba chỉ 95.000 đồng/kg, thịt nạc mông 100.000 đồng/kg, nạc thăn 85.000 đồng/kg; giá thịt bò mông 26.000 đồng/kg, bắp bò 280.000 đồng/kg, gà ta 130.000 đồng/kg.
Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng GĐ Cty CP Nhất Nam (chủ hệ thống siêu thị Fivimart), cho biết: “Việc tăng giá xăng, điện kiểu gì cũng kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, vấn đề là thời gian. Khả năng cuối tháng này, nhiều mặt hàng sẽ tăng mạnh vào nửa cuối tháng 8 này”. Đại diện một số siêu thị cũng cho biết, việc tăng giá các mặt hàng tiêu dùng trong thời gian tới khó tránh khỏi.
Phạm Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024