Giá cả tháng 8 giảm nhẹ do tác động từ việc phá giá đồng nhân dân tệ
Cụ thể, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm 02 đợt trong tháng 8/2015 (ngày 4/8 và 19/8/2015) góp phần làm giảm áp lực đến CPI và giá hàng hoá, dịch vụ khác.
Riêng trong kỳ tính CPI tháng 8/2015, với 2 đợt điều chỉnh giảm vào ngày 20/7/2015 và ngày 4/8/2015 (trong đó giá xăng giảm 1.080 đồng/lít, giá dầu diezel giảm 1.930 đồng/lít) làm nhóm Giao thông giảm 2,12%, đóng góp khiến CPI chung giảm 0,19%.
Giá LPG tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm từ ngày 1/8/2015; giá dầu hỏa được điều chỉnh giảm 2 đợt cũng góp phần làm giảm CPI nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, do thời tiết tháng 8/2015 tại một số địa phương đã dịu bớt nắng nóng hơn tháng 7/2015, nên lượng điện tiêu dùng thấp hơn làm cho chỉ số giá nhóm điện giảm; giá vật liệu xây dựng giảm nhẹ do mùa mưa, nhu cầu xây dựng chững lại cùng với chi phí vận chuyển hàng hóa giảm.
Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hoá, dịch vụ được bảo đảm; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá, đã góp phần bình ổn thị trường giá cả tháng 8/2015.
Theo Cục Quản lý giá, thị trường hàng hoá, dịch vụ tháng 8/2015 cũng chịu sức sép tăng giá do một số yếu tố mùa vụ như: Chuẩn bị năm học mới 2015-2016, nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập, quần áo, giầy dép, mũ nón tăng, gây sức ép lên giá các mặt hàng này; bên cạnh đó, mức thu học phí tại một số địa phương cũng được điều chỉnh tăng.
Ngoài ra, giá một số hàng thực phẩm tăng nhẹ tại một một số địa phương do nguồn cung chịu ảnh hưởng bởi mưa bão và nhu cầu chuẩn bị cho Tết Trung thu.
Cụ thể giá một số mặt hàng như sau:
Mặt hàng lúa gạo: Tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường tiếp tục ổn định so với tháng 7/2015. Giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.000-6.500 đồng/kg, giá một số loại thóc chất lượng cao hơn phổ biến ở mức 7.500-8.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.000-13.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lúa, gạo tháng 8/2015 tiếp tục giảm so với tháng 7/2015: Giá lúa dao động ở mức 4.550 – 5.250 đồng/kg, giảm khoảng 200 đồng/kg; giá gạo thành phẩm xuất khẩu giảm khoảng 100 đồng/kg: loại 5% tấm trong khoảng 7.100 – 7.350 đồng/kg, loại 25% tấm giá ở mức 6.700-6.900 đồng/kg.
Giá mặt hàng thực phẩm tươi sống: trong tháng 8 /2015 biến động không đều giữa các vùng miền so với tháng trước. Giá một số loại rau củ quả, hải sản tăng nhẹ vào đầu tháng nhưng hiện đã ổn định trở lại. Cụ thể:
Thịt lợn hơi: Tại miền Bắc giá phổ biến khoảng 44.000- 47.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg; tại miền Nam giá phổ biến khoảng 42.000-44.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Thịt bò thăn ổn định: Giá phổ biến khoảng 250.000-265.000 đồng/kg. Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch: Tại miền Bắc giá phổ biến khoảng 110.000-120.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 110.000-115.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 50.000-60.000 đồng/kg, ổn định.
Giá trứng gia cầm tăng nhẹ khoảng 1.000-2.000 đồng/chục, phổ biến ở mức 26.000-35.000 đồng/chục .
Giá một số loại rau, củ, quả tăng nhẹ: Bắp cải 10.000-15.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; khoai tây 16.000-20.000 đồng/kg, tăng 1.000-2.000 đồng/kg; cà chua 17.000-20.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như: Cá chép 75.000-80.000 đồng/kg, ổn định; tôm sú 185.000-190.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; cá quả 110.000-125.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Giá phân urê trong nước tiếp tục ổn định so với tháng 7/2015. Tại miền Bắc, mức giá phổ biến khoảng 8.150-8.300 đồng/kg; tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 7.800-8.400 đồng/kg.
Giá muối phía Bắc và tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định, giá muối tại miền Trung tăng nhẹ 60 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể: miền Bắc từ 1.200-2.500 đồng/kg; Nam Trung Bộ: muối thủ công từ 300-800 đồng/kg, muối công nghiệp từ 500-960 đồng/kg; Đồng bằng sông Cửu Long từ 600-1.000 đồng/kg.
Giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp gà thịt tiếp tục giảm nhẹ 0,8% so với tháng trước nhưng giá thức ăn hỗn hợp lợn thịt lại có xu hướng tăng nhẹ khoảng 1,4%. Hiện giá bán buôn thức ăn hỗn hợp gà thịt ở mức 10.010 đồng/kg, giá thực ăn hỗn hợp lợn thịt ở mức 8.950 đồng/kg.
Giá bán lẻ đường tại thị trường trong nước tháng 8/2015 ổn định so với tháng 7/2015, phổ biến ở mức 17.000 đồng/kg - 19.000 đồng/kg.
Giá bán lẻ xi măng trên thị trường: Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, giá bán lẻ xi măng tháng 8/2015 vẫn giữ ổn định so với tháng 7/2015. Tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000 -1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 -1.850.000 đồng/tấn.
Giá bán lẻ thép trên thị trường: Hiện tại giá bán lẻ thép xây dựng giảm khoảng 200-400 đồng/kg so với cuối tháng 7/2015. Tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động phổ biến ở mức 13.800 - 14.500 đồng/kg; tại các tỉnh miền Nam dao động phổ biến ở mức 14.000 -14.800 đồng/kg.
Giá bán lẻ LPG đến người tiêu dùng: Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh: khoảng 277.000-279.000đồng/bình 12k tùy từng doanh nghiệp, nơi bán hàng, giảm khoảng 8.000 đồng/bình 12kg. Khu vực Hà Nội: khoảng 268.000 - 297.000 đồng/bình 12 kg tùy từng doanh nghiệp, giảm khoảng 5.000-8.300 đồng/bình 12kg.
Giá bán lẻ xăng dầu cụ thể như sau: Xăng RON 92: 18.530 đồng/lít; Xăng E5: 18.040 đồng/lít; Dầu diezen 0,05S: 13.420 đồng/lít; dầu hỏa: 12.400 đồng/lít; dầu madut 3,5S: 10.130 đồng/kg
Giá vàng: ổn định trong tuần đầu tiên của tháng 8, tăng trong 2 tuần tiếp theo và có xu hướng giảm ở tuần cuối tháng 8. Cụ thể: giá vàng miếng SJC niêm yết tại công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ngày 03/8/2015, tại 2 khu vực TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng giao dịch ở cùng mức giá 32,98 triệu đồng/lượng (mua vào) – 33,12 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Hà Nội, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại công ty PNJ ở mức giá 32,98 triệu đồng/lượng (mua vào)– 33,14 triệu đồng/lượng (Bán ra). Giá vàng miếng PNJ-ĐA được niêm yết ở cùng mức 29,65 triệu đồng/lượng (mua vào)– 30 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI điều chỉnh giảm 20 nghìn đồng/ lượng cả 2 chiều xuống còn 33,01-33,06 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).
Ngày 15/8/2015, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI điều chỉnh giảm 50 nghìn đồng chiều mỗi lượng, niêm yết ở 33,65 – 33,85 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).
Ngày 31/8/2015, giá vàng tại Tập đoàn Doji giao dịch là 34,28 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34,43 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 580 nghìn đồng/lượng bán ra và 630 nghìn đồng/lượng mua vào so với ngày 15/8/2015.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trong tháng 8/2015 xoay quanh mốc 4 triệu đồng.
Giá Đô la Mỹ: Ngày 12/8/2015, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá USD/VND. Theo đó, biên độ dao động được tăng từ +/-1% lên +/-2%. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 đồng mỗi USD, giá mua bán USD của các ngân hàng có thể biến động trong phạm vi từ 21.240 đồng (sàn) đến 22.106 đồng (trần).
Tỷ giá hạch toán giữa Đồng Việt Nam với Đôla Mỹ tháng 8/2015 được Bộ Tài chính công bố áp dụng cho các nghiệp vụ quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ; quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước là: 1 USD = 21.673 đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo