Pháp luật

Giả “chết” để trốn thuế

Với chiêu “thành lập - giải thể - thành lập...”, không ít doanh nghiệp đã trốn thuế hàng tỉ đồng

Doanh nghiệp tư nhân thương mại Thiên Long Ngọc Đỉnh do ông Phạm Ngọc Đỉnh làm giám đốc nợ thuế đã bỏ kinh doanh. Nhưng tại địa chỉ này (số 3 Trường Chinh, TP Buôn Ma Thuột) hiện là trụ sở Công ty TNHH một thành viên Thiên Long Ngọc Đỉnh chuyên bán đồ gỗ mỹ nghệ cũng do ông Đỉnh đứng tên - Ảnh: Trung Tân

Sau khi nợ thuế hàng tỉ đồng, nhiều chủ doanh nghiệp ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tuyên bố... nghỉ kinh doanh. Nhưng ngay sau đó, một doanh nghiệp khác cùng chủ lại được lập ra và tiếp tục điệp khúc “nợ thuế, đóng cửa, thành lập doanh nghiệp mới...”.
 
Với chu kỳ “thành lập - giải thể - thành lập...” này, theo Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột, hàng trăm doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn còn nợ gần 282 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng (VAT), trong đó nợ khó thu gần 109 tỉ đồng.
 
“Không thể thu hồi”
 
Theo hồ sơ từ cơ quan thuế cung cấp, Công ty TNHH một thành viên thương mại Phúc Ly (47 Nguyễn Trãi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, do bà Hồ Thị Ly làm giám đốc) thông báo ngừng kinh doanh khi số nợ thuế là 399 triệu đồng.
 
Thế nhưng tháng 4-2012, bà Ly lại lập Công ty TNHH thương mại Hồ Thành Đạt (địa chỉ 278 Lý Thường Kiệt, TP Buôn Ma Thuột) để tiếp tục kinh doanh ngành nghề cũ là buôn bán cà phê, nông sản.
 
Đến tháng 4-2013, Công ty Hồ Thành Đạt cũng thông báo ngừng kinh doanh, mang theo 39 số hóa đơn, nợ 530 triệu đồng thuế.
 
Bà Ly cũng là chủ của doanh nghiệp tư nhân Đăk Lâm (địa chỉ 278 Lý Thường Kiệt, TP Buôn Ma Thuột) đã ngừng kinh doanh và còn nợ 718 triệu đồng tiền thuế. Tổng số nợ thuế ba doanh nghiệp do bà Ly đứng tên làm chủ lên đến hơn 1,6 tỉ đồng nhưng ngành thuế không thể thu hồi.
 
Cùng phương thức này, doanh nghiệp tư nhân Chín Khoán (78 Chu Văn An, TP Buôn Ma Thuột) do bà Lê Thị Ngọc Khuyến làm giám đốc nợ hơn 2,9 tỉ đồng tiền thuế cũng ngừng kinh doanh buôn bán cà phê, nông sản.
 
Sau đó, vợ chồng bà Khuyến lại thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đắk Viên (đường Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) và để anh trai bà Khuyến là ông Lê Đình Khôi làm giám đốc. Đắk Viên tiếp tục nợ hơn 2,3 tỉ đồng tiền thuế rồi cũng... nghỉ kinh doanh.
 
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên viễn thông Lê Hùng (16 Lê Thánh Tông, TP Buôn Ma Thuột, chuyên kinh doanh điện thoại, hàng điện tử) do bà Hoàng Thị Hường làm giám đốc còn nợ hơn 213 triệu đồng tiền thuế. Sau đó, cũng tại địa chỉ này, ông Lê Viết Hùng (chồng bà Hường) lại thành lập Công ty TNHH một thành viên Hoàng Lê Hùng và nợ gần 72 triệu đồng tiền thuế...
 
Đây là chiêu thức được khá nhiều doanh nghiệp trên địa bàn này áp dụng, sau khi để lại một khoản nợ thuế khó đòi.
 
Cần điều tra hành vi trốn thuế
 
Ông Lê Văn Ánh - chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột - cho biết hiện có hàng chục doanh nghiệp sử dụng “chiêu thức” thay tên, đổi chủ sau khi nợ tiền thuế.
 
“Chi cục đã sử dụng hết các biện pháp từ nhắc nhở đến cưỡng chế tài sản nhưng các doanh nghiệp đều chây ì. Chẳng hạn, các công ty do bà Hồ Thị Ly làm giám đốc đã bị chi cục thuế cưỡng chế tài khoản ngân hàng, cưỡng chế hóa đơn, gửi công văn đề nghị cơ quan công an điều tra nhưng đến nay vẫn chưa thể thu hồi nợ thuế cho Nhà nước” - ông Ánh bức xúc.
 
Cũng theo ông Ánh, trong những cuộc họp với các ngành công an, viện kiểm sát, tòa án, Chi cục Thuế đều nêu quan điểm: thuế VAT là thuế gián thu, do khách hàng trả để chủ doanh nghiệp thay mặt nộp lại cho Nhà nước, vì vậy hành vi chiếm dụng khoản thuế này cần phải điều tra, xử lý hình sự.
 
Về việc nhiều doanh nghiệp còn nợ thuế vẫn thành lập công ty kinh doanh bình thường, ông Ngô Việt Hồng - phó cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk - cho rằng các doanh nghiệp dễ dàng trốn tránh việc nộp thuế là do thủ tục đăng ký mở công ty, doanh nghiệp quá dễ dàng.
 
“Chỉ cần có chứng minh nhân dân, hộ khẩu, địa chỉ kinh doanh, số vốn tự khai... là có thể thành giám đốc doanh nghiệp. Vì vậy khi thấy số nợ thuế quá nhiều, doanh nghiệp sẽ “giả chết” để tránh phải nộp thuế rồi lập doanh nghiệp mới để tiếp tục sản xuất kinh doanh” - ông Hồng phân tích.
 
“Vừa qua, ngành thuế đã có cuộc họp với các sở ngành liên quan như Sở Kế hoạch - đầu tư, Công an, UBND TP Buôn Ma Thuột... để bàn giải pháp chống thất thu thuế. Theo đó, đối với các doanh nghiệp thành lập mới, Sở Kế hoạch - đầu tư cần thông tin để ngành thuế kiểm tra chủ doanh nghiệp này có đang nợ thuế hay không mới cấp phép. Đối với các doanh nghiệp đang nợ thuế, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp để thu hồi các khoản nợ thuế cho Nhà nước” - ông Hồng nói.

* Luật sư Tạ Quang Tòng (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk):

 
Nên sửa luật
 
Doanh nghiệp nợ thuế là quan hệ hành chính nên ngành thuế không thể khởi kiện các doanh nghiệp này ra tòa theo pháp luật dân sự; cũng không thể xử lý hình sự hành vi trốn thuế vì doanh nghiệp khai báo đầy đủ, có nhận nợ.
 
Chính vì thiếu chặt chẽ trong các quy định Luật thuế, Luật doanh nghiệp, Bộ luật hình sự... đối với các hành vi trốn thuế, chiếm dụng thuế nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở để chiếm dụng thuế mà vẫn không bị xử lý. 
 
Từ thực trạng này, theo tôi, các cơ quan tố tụng cần ngồi lại với nhau, đưa ra giải pháp để ngành thuế được ủy quyền khởi kiện đòi các khoản tiền nợ thuế do các doanh nghiệp chây ì theo pháp luật dân sự.
 
Ngoài ra, cần quy định thêm tội không nộp thuế cho Nhà nước vì thuế VAT là thuế gián thu, do người mua nộp qua người bán. Việc người bán chiếm dụng tiền thuế này là đã phạm tội không nộp thuế cho Nhà nước, có thể xử lý hình sự để tránh thất thu.
TP.HCM cũng đau đầu với hiện tượng “giả chết” để trốn thuế
 
Ông Nguyễn Đình Tấn, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận tình trạng doanh nghiệp nợ thuế giải thể rồi lập doanh nghiệp mới đã xuất hiện từ nhiều năm nay và ngày càng phổ biến, nhưng việc giải quyết vẫn còn hết sức lúng túng.
 
“Nếu đại diện của doanh nghiệp thành lập mới là những người từng là chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì Cục Thuế yêu cầu phải thanh toán số nợ còn thiếu rồi mới cấp mã số thuế mới. Nhưng trên thực tế các doanh nghiệp này thường đưa người nhà ra làm chủ pháp nhân của doanh nghiệp mới nên rất khó xử lý” - ông Tấn nói.
 
Ông Tấn thừa nhận hiện tượng các doanh nghiệp ngừng kinh doanh sau khi nợ thuế hoặc bị truy thu với số tiền lớn rồi thành lập công ty khác đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý thu nợ thuế của đơn vị.
 
Các doanh nghiệp này bỏ khỏi trụ sở kinh doanh đã đăng ký doanh, không làm thủ tục giải thể, đóng mã số thuế.
 
Theo quy định, nếu doanh nghiệp chấm dứt hoạt động mà chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, phần thuế nợ còn lại do chủ sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp. Nếu chủ doanh nghiệp là cá nhân không khai báo việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và không thực hiện nghĩa vụ thuế được coi là hành vi trốn thuế và bị xử phạt.
 
Tuy nhiên, thực tế đa số không xác định được địa chỉ chủ doanh nghiệp bỏ trốn nên cơ quan thuế không thể thu hồi nợ đọng thuế cũng như áp dụng xử phạt theo pháp luật.
 
Trước đây, khi Cục Thuế TP còn kết nối dữ liệu với Sở Kế hoạch - đầu tư, những trường hợp đăng ký kinh doanh mới còn vướng khoản nợ cũ sẽ được báo cáo ngay cho bộ phận cấp giấy phép kinh doanh.
 
Tuy nhiên theo ông Tấn, hiện nay việc thành lập doanh nghiệp mới dễ dàng hơn, thủ tục cấp phép một cửa nên việc liên thông này không còn. “Điều cần nhất là tăng kết nối thông tin giữa các ngành, chia sẻ thông tin doanh nghiệp nợ thuế để kịp phát hiện doanh nghiệp đã có tiền sử hành vi trốn thuế hay kinh doanh bất hợp pháp khi xem xét cấp giấy phép” - ông Tấn nói.
Tuổi trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo